Hiểm họa từ bếp ăn

Trong năm 2008, có hơn 600 học sinh bị ngộ độc thực phẩm liên quan đến bếp ăn trường học, hàng rong trước cổng trường

0

Vụ ngộ độc thực phẩm khiến 131 học sinh (thông tin mới nhất từ Sở Y tế TPHCM) Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Bình Trưng Đông, quận 2-TPHCM) phải nhập viện vào ngày 2-4 là hồi chuông cảnh báo nguy cơ ngộ độc tập thể trong trường học trên địa bàn TPHCM.


Một học sinh tiểu học bị ngộ độc thực phẩm vào tháng 11-2008 được bác sĩ chăm sóc tại Bệnh viện Thủ Đức – TPHCM


Nguy cơ từ nhiều phía

Theo bác sĩ Trương Thanh Trung, Giám đốc Bệnh viện quận 2, dù đã được cho uống thuốc, truyền nước, kiểm tra sức khỏe ổn định và về nhà nhưng nhiều học sinh vẫn chưa hết sợ nên được người nhà tiếp tục đưa vào bệnh viện. “Trẻ em cơ địa yếu nên nếu bị ngộ độc thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều” - bác sĩ Trung nói.


Vụ ngộ độc trên chỉ là một trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trường học xảy ra thời gian gần đây khiến hàng trăm học sinh nhập viện. Trước đó, tại Trường Tiểu học Phước Bình (quận 9) đã có 493 học sinh nhập viện do ăn bánh bông lan bị nhiễm khuẩn; Trường THCS Trần Bội Cơ (quận 5) có 32 học sinh ngộ độc do ăn giá xào bị nhiễm khuẩn; Trường Tiểu học Tam Bình (quận Thủ Đức) có 51 học sinh vào viện do ăn xôi mặn được bán trước cổng trường... Theo Sở Y tế TPHCM, trong năm 2008, trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học với hơn 600 học sinh mắc phải, tăng hơn năm trước 5 vụ. Trong đó, hầu hết ngộ độc xảy ra có nguyên nhân từ bếp ăn do nhà trường tổ chức hoặc nhà trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn với các doanh nghiệp bên ngoài.

Trước hiểm họa từ ngộ độc trong học đường, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Song, xem ra vấn đề ngộ độc là rất khó kiểm soát. Cụ thể, trong vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Tam Bình, cả địa phương và đơn vị chuyên trách đều cho rằng đã thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, quyết liệt tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người bán hàng rong. Tuy nhiên, theo những người bán hàng rong tại trường này thì họ không hề biết thông tin gì về sự tuyên truyền, tập huấn...


Tăng cường trách nhiệm của trường học

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Phòng Quản lý ATVSTP, Sở Y tế TPHCM, cho biết nguy cơ ngộ độc từ các bếp ăn trường học luôn tiềm ẩn. Nhà trường phải nhìn nhận ra vấn đề này để bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Theo quy định, nếu tự tổ chức nấu ăn, phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức ATVSTP, nguồn gốc nguyên liệu... Còn nếu hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp thì phải bảo đảm tiêu chí đủ điều kiện ATVSTP, giấy phép, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng...


Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết Sở Y tế và Sở GD - ĐT đã bắt tay nhau trong việc kiểm soát ATVSTP trong các trường học. Cụ thể là đã ký liên tịch phối hợp trong công tác ATVSTP trong các bếp ăn tập thể tại trường học. Sở GD - ĐT tăng cường chỉ đạo, đầu tư cải thiện điều kiện ATVSTP của các bếp ăn tập thể, căng tin các trường học. Sở Y tế triển khai tập huấn kiến thức ATVSTP hằng năm cho giáo viên, bảo mẫu... tại các trường, hướng dẫn tự kiểm tra đối với các bếp ăn của trường.

Vụ ngộ độc ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.2)

Thanh tra, kiểm tra những đơn vị liên quan

Dutch Lady VN ngưng cung cấp sữa cho các trường còn lại

Ngày 3-4, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm- Sở Y tế TPHCM, cho biết đã tiếp tục lấy mẫu dịch tễ để xác định nguyên nhân gây ngộ độc tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.2) và một tuần sau sẽ có kết quả. Đồng thời, sở sẽ theo dõi tình hình sức khỏe của các học sinh để có hướng xử lý kịp thời. Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở bị ngộ độc, các cơ sở cung cấp sản phẩm. Cũng theo Sở Y tế, trong vụ ngộ độc này, ngoài loại sữa nói trên còn có các thứ liên quan khác là nước dùng để pha sữa (hiệu M-Kitech của Công ty TNHH SX-TM-DV Công nghệ Xuất nhập khẩu Minh Kiếm, quận 2) và đá lạnh (của Công ty TNHH nước đá An Lợi, quận 2). Sở đã tiến hành lấy mẫu sữa, nước uống đóng bình và đá lạnh của các công ty trên để xét nghiệm. Theo nhận định ban đầu của Sở Y tế, nguyên nhân ngộ độc có thể từ sữa đã pha.

- Theo ông Trương Văn Toàn, Trưởng Phòng Quản lý - Đối ngoại Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Dutch Lady VN, sau khi sự cố xảy ra, Dutch Lady VN đã cho ngưng chương trình tài trợ uống sữa miễn phí “Búp măng xinh” (còn khoảng 7-8 trường), để chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng xem nguyên nhân dẫn đến ngộ độc từ khâu nào. Dutch Lady VN cũng đã mang mẫu sữa trong lô hàng trên đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 để xét nghiệm.

N.Thạnh-N.Hải 

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]