Thời gian gần đây, hàng trăm CN đã bị ngộ độc do sử dụng thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Cty. Theo một chuyên gia của Tổng LĐLĐVN, để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong bữa ăn ca của NLĐ, trách nhiệm trước hết thuộc về NSDLĐ, mà nguyên nhân sâu xa có thể là do các chủ DN chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của bữa ăn ca của CN.

Liên tục ngộ độc thực phẩm

Chiều 21.10, hàng trăm CN của Cty giày Vĩnh Nghĩa (chuyên may giày da, đóng tại P.Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã phải vào viện cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm. Các CN nhập viện trong tình trạng nôn ói dữ dội, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu. 

Trong bữa trưa 21.10, các CN đã ăn cơm tại bếp ăn của Cty gồm: Tép xào thịt lợn, bắp cải xào, bầu xào mỡ, canh cải chua nấu với trứng vịt lộn và cơm trắng. Sau khi ăn xong, khoảng 14h cùng ngày, các CN bắt đầu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu dữ dội… Sau đó, hàng trăm người có dấu hiệu bị ngộ độc phải chuyển gấp vào ba bệnh viện để cấp cứu. Được biết, có hơn 5.000 CN của Cty giày Vĩnh Nghĩa đã sử dụng cùng món ăn nói trên và Cty Thành Danh là đơn vị cung cấp suất ăn.

 Một bữa ăn giữa ca của công nhân ngành dệt may. 

Trước đó, ngày 15.10, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã tiếp nhận hơn 50 người bị ngộ độc thức ăn. Những người nhập viện là CN của Cty TNHH MTV Wondo Vina (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Theo các CN, tại bữa trưa 15.10, họ ăn trứng rán và canh thịt băm đu đủ, bắp cải luộc và cá. Đến khoảng 18h cùng ngày, trước khi tăng ca họ được Cty cho ăn thêm bún riêu. Sau đó, một số CN có dấu hiệu đau bụng, nôn và đến sáng 16.10 có thêm nhiều người gặp tình trạng tương tự...

Rất nhiều nguyên nhân

TS Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật - Bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, để xảy ra tình trạng mất ATVSTP trong bữa ăn ca của CNLĐ, trách nhiệm trước hết thuộc về NSDLĐ (chủ DN). Nguyên nhân sâu xa có thể là do các chủ DN chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của bữa ăn ca của NLĐ. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ rõ: “Việc bảo đảm dinh dưỡng, góp phần làm giảm các rủi ro, tai nạn, gia tăng năng suất và tinh thần làm việc”. 

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho NLĐ có thể nâng cao năng suất lao động quốc gia lên 20%” và đây chính là lợi ích của DN. Việc chưa nhận thức đầy đủ dẫn đến việc NSDLĐ chưa quan tâm đến việc đầu tư cho bếp ăn ca đảm bảo yêu cầu vệ sinh và chất lượng; kinh phí bố trí cho bữa ăn ca không đầy đủ, chưa có quy định quản lý chặt chất lượng đầu vào và chất lượng vệ sinh an toàn thức ăn dẫn đến tình trạng bữa ăn ca còn chưa đủ dinh dưỡng.

Việc DN chi tiền cho bữa ăn ca của NLĐ quá thấp cũng dẫn tới chất lượng dinh dưỡng bữa ăn và ATVSTP không bảo đảm. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, không thể đổ hết trách nhiệm lên NSDLĐ, bởi tình trạng thiếu dinh dưỡng, mất ATVSTP có nguyên nhân trực tiếp là do nguồn cung thực phẩm không đảm bảo chất lượng, trong khi đó cơ quan quản lý chưa kiểm soát hết được thực phẩm cung cấp trên thị trường. 

Tại cuộc họp bàn về kế hoạch hành động “Năm ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp” ngày 15.1.2015 của Bộ NNPTNT, số liệu mới nhất của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho thấy, tỉ lệ mẫu phát hiện không an toàn khá cao. Trong đó, gần 7% số mẫu thịt phát hiện nhiễm tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng; hơn 5% số mẫu rau phát hiện thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; gần 2% số mẫu thủy sản tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh 
vượt ngưỡng.

Hiện nay Bộ KHCN đã đặt Tổng LĐLĐVN thông qua Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động phối hợp với Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế thực hiện đề tài KHCN cấp quốc gia “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho NLĐ một số ngành nghề”. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn và hết sức cấp thiết, có tính khoa học cao, đồng thời kết quả nghiên cứu sẽ góp phần là cơ sở khoa học để đề xuất chế độ, chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho NLĐ.