Hiểm họa từ những sinh vật ngoại lai

Sau khi Báo Người Lao Động ra ngày 21-4-2008 có bài viết “Cá quỷ đầy sông Sài Gòn”, nhiều nhà khoa học cảnh báo, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều sinh vật ngoại lai và nếu không kiểm soát được thì chúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

15.607
Tôm càng Úc và mối lo đê bao sông Hồng Gần đây, giới nuôi tôm ở tỉnh Phú Thọ xôn xao về một giống tôm càng được nhập từ Úc về có khả năng đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Tuần, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, lại cho rằng đây là loài tôm... phá hoại. TS Tuần cho biết, tôm càng Úc có tên tiếng Anh là Yabby, tên Latin là Cherax destructor, là một loài tôm nước ngọt lớn nhất ở Úc, trọng lượng tối đa 320 g. Lý do chúng có tên Cherax destructor, có nghĩa là kẻ phá hoại vì chúng đào hang phá hoại các bờ sông, vách đập nước. Chúng có màu nâu, xanh lá cây hoặc xanh biển nhạt, có khả năng chịu đựng trong điều kiện nước xấu. Đây là loài ăn tạp, thức ăn bao gồm các loài động vật, thực vật, phân các loại, chất hữu cơ. Khi quần đàn đông chúng làm mất cân bằng chuỗi thức ăn tự nhiên, khi đói chúng có thể tấn công và ăn bất cứ thứ gì chúng gặp kể cả gỗ”.

Theo TS Nguyễn Tuần, tôm càng Úc cực kỳ nguy hiểm đối với các công trình thủy lợi, vì chúng có tập tính đào hang sâu từ 50 cm đến 2 mét vào trong vách đập, bờ sông. Do đó nếu các hộ nuôi tôm ở tỉnh Phú Thọ để loại tôm này sổng ra ngoài thì chúng sẽ phá hoại đê bao sông Hồng. Vậy tại sao giống tôm này vẫn được cho nuôi ở Úc? Khi chúng tôi nêu câu hỏi này, TS Tuần giải thích: Vì đây là tôm bản địa của Úc, hơn nữa các khu vực nuôi tôm ở Úc không có các công trình thủy lợi.

Tôm càng Úc được gọi là "kẻ phá hoại" (ảnh do tiến sĩ Nguyễn Tuần cung cấp)
Càng lạ, càng phải cảnh giác Theo các nhà khoa học, nguyên nhân một số loài sinh vật có hại nhưng vẫn được nhập vào Việt Nam là do các cơ quan chức năng không tìm hiểu kỹ trước khi cấp phép, điển hình nhất là vụ ốc bươu vàng. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu, du nhập tự nhiên qua đường vận chuyển hàng hóa, thông thương... cũng dẫn đến tình trạng phát sinh sinh vật ngoại lai. TS Bùi Tuấn Việt, chuyên gia nghiên cứu về côn trùng của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết loại kiến gió hay ăn các loại đường, sữa chúng ta thường thấy hằng ngày cũng là loài du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. “Hiện nay ở Hồng Kông và Trung Quốc đang xuất hiện một loại kiến lửa đỏ và chúng cũng có khả năng du nhập vào Việt Nam. Đây là loại kiến hay tấn công người, gia súc và phá hỏng các vật dụng như dây điện, sách vở... nên rất tai hại khi chúng du nhập vào nước ta” - TS Việt khuyến cáo. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, còn cho biết trước đây ngành y tế TP đã từng phát hiện và tiêu hủy một lượng trứng muỗi nhập từ nước ngoài vào TPHCM. Những trứng muỗi này được cho dính trên một tờ giấy, mắt thường không thể nhìn thấy nhưng ngâm vào nước thì nở ra ấu trùng. Lúc đó, nếu không phát hiện, tiêu hủy kịp thời có khả năng những trứng muỗi này sẽ sinh ra một loài muỗi lạ, nguy hiểm”. Theo TS Nguyễn Tuần, ở nhiều nước trên thế giới, việc quản lý sinh vật ngoại lai rất chặt chẽ. Khi nhập về một sinh vật lạ họ đều nghiên cứu rất kỹ lưỡng về đặc tính của chúng vì các sinh vật ngoại lai không chỉ ăn thịt các loài khác, cạnh tranh thức ăn nơi sống với sinh vật bản địa mà còn truyền bệnh và ký sinh trùng... PGS-TS Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng cần phải siết chặt việc quản lý, ngăn chặn kịp thời những sinh vật ngoại lai gây hại, đừng để lặp lại những bài học như ốc bươu vàng, cá chim trắng, rùa tai đỏ...
Thực vật bản địa cũng cần được bảo vệ

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, cho rằng hiện nay ngoài việc quản lý sinh vật ngoại lai ở nước ta còn quá lỏng lẻo, còn xảy ra tình trạng “chảy máu” gien các loài thực vật quý. Theo TS Nghĩa, tất cả các loại gien thực vật bản địa như lan rừng, thanh long... chúng ta đều cho xuất khẩu, trong khi đây là các loại gien quý cần phải được bảo vệ.

Bài và ảnh: TRUNG THANH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]