Hiểm họa từ tiếng ồn

Thanh thiếu niên và trẻ em hiện đang tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với các loại tiếng ồn trong sinh hoạt, gây tổn hại đến sức khỏe và làm giảm thính lực, ảnh hưởng đến việc giao tiếp hằng ngày

0

Ghi nhận của Trung tâm Sức khỏe Lao động Môi trường TPHCM về mức độ tiếng ồn trong sinh hoạt thì tiếng ồn trong công nghiệp, mức độ xe cộ gắn máy lưu thông trên đường phố và hàng tiêu dùng gây tiếng ồn có mặt trong từng gia đình tại TPHCM cũng ở mức độ cao hơn các nơi khác trên cả nước.


Ồn ã mọi lúc mọi nơi


Bác sĩ Phạm Công Nhân, Trung tâm Sức khỏe Lao động Môi trường TPHCM, cho biết theo Hội Chống tiếng ồn thế giới, trung bình có từ 1/4 đến 1/3 người lao động phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn và điếc nghề nghiệp là một bệnh khá phổ biến. Còn trong gia đình, mọi thành viên, nhất là thanh thiếu niên và trẻ em, đang tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với các loại tiếng ồn trong sinh hoạt, gây tổn hại đến sức khỏe và làm giảm thính lực, ảnh hưởng đến việc giao tiếp hằng ngày.

Những thiết bị gây ra tiếng ồn thường gặp hiện nay được ghi nhận khác nhau ở từng địa điểm. Trong nhà máy, tiếng ồn do động cơ nổ, máy dệt, gò hàn, cưa xẻ gỗ... Còn tiếng ồn trên đường phố là của nhiều loại xe có gắn máy: tiếng máy xe, tiếng kèn, còi hụ... Tiếng ồn trong sinh hoạt gia đình xuất phát từ ti vi, radio, máy hát đĩa, máy nghe nhạc cá nhân, máy vi tính, trò chơi điện tử, đồ chơi trẻ em, các thiết bị phát ra âm thanh trong nhà khác...


TPHCM là nơi có tiếng ồn cao nhất nước do lưu lượng giao thông dày đặc. Trong ảnh: Kẹt xe trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3-TPHCM. Ảnh: N.Hữu


Hiện nay, khu vực yên tĩnh nhất là bệnh viện, thư viện, nhà điều dưỡng, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, chùa chiền. Kế đến là những nơi có tiếng ồn lớn hơn như khu vực dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính. Nếu khu vực dân cư mà sống xen kẽ với khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất thì tiếng ồn càng  lớn hơn.

Nơi ồn nhất, tất nhiên là khu vực sản xuất. Tất cả những nơi này đều có thời gian ồn nhất trong ngày từ 6 giờ đến 18 giờ, từ 18 giờ đến 22 giờ tiếng ồn giảm xuống nhưng cường độ tiếng ồn thấp nhất trong ngày là lúc mọi người đi ngủ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.


Chấn thương do tiếng ồn


Theo bác sĩ Phạm Công Nhân, tác hại của tiếng ồn khác nhau tùy theo cường độ, tần số của tiếng ồn, thời gian tiếp xúc tiếng ồn trong ngày và việc tiếp xúc với tiếng ồn có lâu dài không (thời gian tiếp xúc tiếng ồn trong nhiều ngày, nhiều năm). Ngoài ra, tác hại còn tùy thuộc vào người tiếp xúc với tiếng ồn có tuổi đời cao hay thấp, có sẵn bệnh lý ở tai hay không và mức độ nhạy cảm với âm thanh của từng người.

Tác hại trước mắt là tiếng ồn gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe như cảm giác mệt mỏi, suy nhược toàn thân, khó chịu, giảm hiệu quả trong công việc... Ngoài ra, người tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn còn có những thay đổi sinh lý như thay đổi nhịp tim, huyết áp, biến đổi về mặt tâm lý như gắt gỏng, cáu giận, khó chịu, mệt mỏi...
Tiếng ồn gây ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác như ù tai, nghe kém, ảnh hưởng đến giao tiếp và sức nghe.

Về lâu dài, ảnh hưởng của tiếng ồn đối với cấu trúc giải phẫu của cơ quan thính giác. Tiếng ồn gây tổn thương các tế bào lông trong, lông ngoài của tai, có thể có các mảnh tế bào bị phá hủy trong nội dịch của tai. Hậu quả ảnh hưởng tiếng ồn đối với cơ quan thính giác: Có 3 dạng là chấn thương âm thanh, điếc tạm thời, điếc vĩnh viễn.


Nếu bệnh nhân bị điếc tạm thời do tiếng ồn sẽ phục hồi sau vài phút đến vài tuần. Còn điếc vĩnh viễn xảy ra chủ yếu ở những người làm việc lâu dài trong môi trường tiếng ồn lớn. Thời gian tiếp xúc tiếng ồn càng lâu thì khả năng điếc vĩnh viễn càng tăng. Điếc tăng nhanh nhất là khi tiếp xúc âm thanh có tần số 4 KHz trong 10-15 năm đầu và điều này cũng còn tùy thuộc tính nhạy cảm với tiếng ồn của mỗi người.

Những biện pháp giảm tiếng ồn

Với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong đời sống con người, tiếng ồn là một yếu tố nguy cơ cần được nhận biết và tích cực phòng chống nhằm làm giảm thiểu những tác hại của tiếng ồn đối với sức khỏe của mọi người.

- Về biện pháp kỹ thuật, nên giảm tiếng ồn từ nguồn phát sinh, giảm tiếng ồn bằng cách cách ly nguồn phát sinh tiếng ồn hoặc bọc kín máy gây ồn nhiều, giảm tiếng ồn bằng hấp thu bề mặt và phản xạ tại chỗ và bố trí máy móc, sắp xếp dụng cụ hợp lý...

- Biện pháp phòng hộ cá nhân là nút tai, chụp tai, công nhân xen kẽ lao động và nghỉ ngơi ngắn. Chủ lao động nên bố trí các phòng yên tĩnh cạnh nơi lao động cho người lao động nghỉ ngơi. Nếu tiếng ồn có cường độ cao, có thể cho công nhân nghỉ ngơi trong vài ngày hoặc vài tuần.

- Biện pháp y tế là chăm sóc sức khỏe cho người lao động, phát hiện sớm và có hệ thống sự giảm thính lực để có cách xử lý thích đáng như thực hiện nghiệm pháp mệt mỏi thính giác, đo thính lực sơ bộ định kỳ, đo thính lực âm hoàn chỉnh, bồi dưỡng bằng hiện vật, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động.

Nhất Phương
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Media
  • Lịch phát sóng
Văn nghệ
Giáo dục
Công đoàn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]