Hiểm họa từ tiết canh

Nhiều người vẫn nghĩ tiết canh là món mát, bổ. Thậm chí có không ít người còn cho rằng đầu tháng ăn tiết canh mới “đỏ”, để làm ăn gặp may mắn.

15.5911

Tuy nhiên, máu tươi của gia súc, gia cầm đều là nguồn dinh dưỡng để nuôi cơ thể chúng nên có chứa nhiều protein, chính vậy nó là môi trường thuận lợi và thích hợp cho vi khuẩn sinh sống và phát triển.

Nhiều kết quả khảo cứu cho thấy tất cả các loại tiết canh như ngan, vịt, heo, dê… mỗi chén chứa tới hàng chục loại vi khuẩn có hại khác nhau và dễ dàng gây bệnh cho con người. Đó là chưa nói con vật đó còn mang theo nguồn bệnh như sán, giun xoắn, virus A/H5N1, liên cầu khuẩn Streptococcus suis…
Chẳng hạn heo mắc các bệnh giun sán, đặc biệt là giun xoắn thường gặp ký sinh ở cơ vân heo rừng, heo thả rông, nhất là loại liên cầu khuẩn Streptococcus suis. Ngay giữa chúng cũng có thể lây sang nhau như chó, mèo, bò, dê. Tiết canh ngan, vịt, ngỗng… gây nhiễm virus A/H5N1 ở gia cầm, thủy cầm, chim chóc…

Trong máu của gia súc, gia cầm, kể cả những con khỏe mạnh, đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi ăn những món đó, con người trực tiếp đưa ổ vi trùng, vi khuẩn gây bệnh vào người.

Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân không bày bán, ăn tiết canh heo, dê, ngan, vịt… để phòng chống các dịch bệnh nhưng qua khảo sát, tình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết địa phương. Chính vì vậy mà đã có nhiều người rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, thậm chí tử vong tại các bệnh viện chỉ vì ăn tiết canh và các đồ tái sống.

Ăn tiết canh cũng là nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh giun xoắn. Một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân nhiễm giun xoắn. Kết quả xét nghiệm trong một vụ dịch vừa xảy ra tại Yên Bái cho thấy trong thịt heo chế biến thành nem có tới 879 ấu trùng giun xoắn/g thịt và một con heo khác có 70 ấu trùng giun xoắn.

Đó là chưa nói đến sán heo, các loại virus ở gia cầm bị sán bò vào mắt và não. Cách  đây không lâu, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương cấp cứu một bệnh nhân 32 tuổi, ở Bắc Giang. Bệnh nhân cho hay sau 3 ngày ăn tiết canh, tự nhiên mắt sưng to, ngứa dữ dội, nhỏ thuốc mắt không thấy đỡ.
Sau đó, ở rìa mắt nổi lên một cục u, lúc to, lúc nhỏ. Đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán u sán ở kết mạc vùng hốc mắt. Khối u có lúc sưng to, lúc xẹp xuống do sán chui ra ngoài nang nằm trên kết mạc. Bệnh nhân phải phẫu thuật để lấy con sán ra.

Để phòng tránh các bệnh trên chỉ có con đường duy nhất là nói không với tiết canh và các đồ tái chín. Thực hiện ăn chín uống sôi, tuân thủ không giết mổ và chấp hành tiêu hủy các động vật mắc bệnh hoặc trong khu vực có cảnh báo dịch theo lệnh của các cơ quan chức năng.

BS Hoàng Xuân Đại
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]