Hiến giác mạc trong cơn đau ung thư

15.5995

“Cả đời tôi đã khổ sở, nay về với cõi tiên có nguyện vọng được hiến tặng giác mạc của mình cho y học để mang lại ánh sáng cho người khác…”, dòng chữ được bà Nhàng tự tay viết trong cơn đau vật vã của bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.

Bà Trịnh Thị Nhàng sống ở khu tập thể Pháo Binh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội cùng cậu con trai.

Sinh năm 1953, học hết lớp 10, bà làm công việc thu mua lương thực, rồi lập gia đình. Được mấy năm thì bà bị mẹ chồng vu cho tội ngoại tình. Nhờ sự sắp xếp của hai gia đình, mọi chuyện cũng ổn thỏa, bà sinh được một người con trai. Nhưng chẳng bao lâu sau bà bị bệnh, phải mổ đến 3 lần thì người chồng nhất quyết "rũ áo", bỏ lại 2 mẹ con.

Biết chắc mình sẽ "ra đi" trước bố mẹ, bà thường tâm sự với hai cụ: "Con chưa làm gì được cho gia đình, cho xã hội. Khi con chết, bố mẹ cứ cho con hiến giác mạc vì như thế có thể giúp hai người khác tìm lại được ánh sáng", cụ Trịnh Thiện Hệ, 80 tuổi, bố của bà Nhàng không kìm nổi những giọt nước mắt khi kể về người con gái bất hạnh, xấu số.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (ngoài cùng bên trái), Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm cùng hai cụ thân sinh ra bà Nhàng và cháu gái. Ảnh: N.P.

Từ tháng 5/2009, bà Nhàng đã thấy đau dữ dội, khỏi được mấy ngày đến tháng 6, những cơn đau lại mỗi ngày dày vò bà. Cứ nghĩ là bị đau dạ dày, bà tự mua thuốc về uống, nhưng đến khi siêu âm thì mới phát hiện một khối u ung thư khá to, như bàn tay úp vào gan, liền với dạ dạy. Bệnh đã ở giai đoạn cuối, không thể cứu được.

Cảm nhận cái chết đang đến gần, bà Nhàng vừa cắn răng chịu đau vừa tự tay viết di chúc để lại, với tâm nguyện được hiến giác mạc khi qua đời. 4 ngày sau thì bà mất, ngày 30/10/2009.

Cụ Hệ kể lại, nhiều người cho rằng "moi mắt người ta ra không phải là việc thiện, mà là việc ác". Nhưng thấy nguyện vọng của con tha thiết quá, nên đêm con gái mất, cụ đã chạy đi gọi hội chữ thập đỏ của xã để họ cử người đến lấy giác mạc.

"Cả cuộc đời nó là một chuỗi những bất hạnh, đau ốm, bệnh tật, chuyện chồng con lại không suôn sẻ. Cả nhà ai cũng thương nó, nên dù đau đến từng khúc ruột chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện tâm nguyện cuối cùng của nó. Những người sống cũng không phải ân hận gì trong suốt quãng đời còn lại. Cũng vì hơn ai hết chúng tôi hiểu được thế nào là sống trong mù lòa", cụ Hệ cho biết.

Bà thân sinh ra cụ đã phải sống ròng rã suốt 10 năm trong cảnh tối tắm, mù lòa. Mỗi lần cụ đi công tác về, lại thấy mẹ ngồi góc giường, cứ níu lấy con mà khóc, rồi ao ước giá như có ai có làm mắt bà sáng lại được.

"Cảnh mù lòa khổ lắm, đúng là 'giàu hai con mắt, khó hai bàn tay'. Mẹ tôi chả biết con cháu lớn thế nào, đi đâu, làm gì. Đứa nào về thăm bà lại bắt đến gần, lần hai bàn tay mà sờ. Vì thế, thực hiện được nguyện vọng của con gái gia đình ai cũng thoải mái, vì con đã làm một việc có ích cho xã hội", cụ Hệ tâm sự.

Bản thân mẹ bà Nhang là cụ Đào Thị Nhanh (82 tuổi) cũng tâm niệm một điều: "Khi nào tôi chết, nếu mắt còn sáng thì tôi cũng nguyện sẽ hiến giác mạc. Nếu lấy cả con ngươi tôi cũng cho. Nói thì nói vậy nhưng có ai lấy đâu".

Có rất nhiều người đăng ký hiến giác mạc nhưng bà Nhàng là một trong số rất ít người thực hiện được tâm nguyện đó. Bởi lẽ, hiến giác mạc là nguyện vọng của người chết còn thực hiện được hay không là việc của người sống. Hiện nay, vẫn còn khoảng 300.000 người mù có nhu cầu được ghép giác mạc nhưng lại thiếu trầm trọng nguồn cung cấp. Mỗi một người khi hiến giác mạc đã có thể mang lại ánh sáng cho hai con người.

Nam Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]