Hiệu quả cao từ cánh đồng mẫu lớn

Nông dân tỉnh Long An khẳng định mô hình này cho năng suất, chất lượng lúa cao hơn hẳn những cánh đồng khác, trong khi chi phí sản xuất lại thấp hơn.

15.5235
  •  

Hiện nay, Long An đang mở rộng những cánh đồng “Liên kết 4 nhà” mà nông dân quen gọi là cánh đồng “giá trị tăng thêm” hay “cánh đồng mẫu lớn”. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nông dân tích cực hưởng ứng mô hình sản xuất lúa này và mong muốn được tham gia. Nếu những cánh đồng mẫu lớn được mở rộng, chắc chắn, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ cao hơn, đời sống người dân sẽ khá hơn.

Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" giúp thuận lợi trong cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất

Vụ Hè thu này là vụ lúa thứ 2 nông dân ở xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa biết đến mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Theo quy hoạch, cánh đồng mẫu lớn ở xã Tuyên Thạnh rộng 800 ha. Vụ đầu tiên, nông dân chưa thấy được lợi ích của mô hình nên còn dè dặt khi đăng ký tham gia. Kết quả là cánh đồng mẫu của xã chỉ rộng hơn 300 ha. Vụ thứ 2, tức vụ Hè thu này, bà con mạnh dạn tham gia nhiều, cánh đồng mở rộng ra 445 ha.

Nhìn tận mắt lợi ích của việc cùng sản xuất đồng loạt, sản xuất theo khoa học kỹ thuật, được tư vấn kỹ thuật kịp thời và đầu ra cho sản phẩm ổn định, nông dân trong xã rất phấn khởi.

Ông Lê Thành Ron ở ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh có 2,5 ha ruộng, tham gia sản xuất ở cánh đồng mẫu ngay từ vụ đầu tiên được tỉnh phát động, cho biết: “Liên kết 4 nhà làm lợi cho nông dân nhiều nên tôi đăng ký vô ngay từ đầu và thấy mô hình có hiệu quả cao. Hiện tại, nhà nước đang đầu tư làm đập để tránh lũ, có thể sạ được 3 vụ, giá lúa lại cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật tốt”.

Cánh đồng mẫu lớn ở huyện Mộc Hóa đang được tổ chức sản xuất ở hai xã. Hiện nay, có khu vực đã thu hoạch, có khu vực lúa đang trổ. Nông dân trong mô hình khẳng định năng suất, chất lượng hạt lúa cao hơn hẳn những cánh đồng khác, trong khi chi phí sản xuất lại thấp hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm có 1,8 ha ruộng tham gia sản xuất trong cánh đồng “liên kết 4 nhà” ngay từ vụ đầu tiên. Vụ Hè thu này, ông dự định năng suất lúa không dưới 10 tấn/ha- cao hơn các hộ khác, chi phí đầu tư mỗi ha lại tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng so với trước đây.

Công ty Lương thực Long An cũng đã ký cam kết mua lúa cho ông Tâm và những nông dân khác trong mô hình với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Người dân cũng ý thức áp dụng theo mô hình, bớt làm theo tập quán cũ, thấy có lợi hơn.

Có được kết quả như vậy là nhờ cánh đồng đã có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước- tức là chính quyền tỉnh Long An, nhà khoa học- là ngành nông nghiệp tỉnh, nhà doanh nghiệp ở đây là công ty Bảo vệ thực vật An Giang, công ty Lương thực Long An, công ty Hóa nông Hợp Trí- thành phố Hồ Chí Minh và nhà nông.

Nhà nước đã đứng ra vận động nông dân tham gia sản xuất tập trung, quy họach hệ thống kênh mương hoàn chỉnh. Doanh nghiệp ứng trước lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân trong suốt vụ và đưa hẳn một đội kỹ thuật của mình xuống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân để hướng dẫn họ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng nhất, hiệu quả nhất… và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Minh, trưởng nhóm kỹ thuật, Công ty Hóa nông Hợp Trí cho biết: “Vận động bà con thực hiện thì chúng tôi phải giải thích chứng minh cho bà con thấy những lợi ích của quy trình, tập huấn và song song đó làm mô hình thí điểm để bà con thấy làm theo quy trình của Hợp Trí là có năng suất cao, hiệu quả kinh tế và giảm sử dụng phân thuốc hóa học, đảm bảo chất lượng nông sản”.

Hiệu quả từ cánh đồng “liên kết 4 nhà” đã thấy rõ. Nông dân và chính quyền địa phương đều mong muốn mô hình này được mở rộng. UBND huyện Mộc Hóa đã đầu tư xây dựng trạm bơm, đường ra đồng, 5 trạm truyền thanh khuyến nông cho mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Tuyên Thạnh. Huyện rất cần sự đầu tư từ phía tỉnh và sự liên kết từ phía các doanh nghiệp để mở rộng mô hình này.

Ông Phan Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa khẳng định: “Qua mô hình này, bà con nông dân rất tin tưởng vào hướng dẫn của các ngành chuyên môn, nhất là các anh cán bộ kỹ thuật thường xuyên giúp bà con. Do đó, bà con rất đồng tình. Kinh phí của huyện rất ít nên mong tỉnh hỗ trợ đầu tư hoàn thành hệ thống kênh mương, trạm bơm đề những vụ tới hoàn thành 800 ha”.

Với thực tế sản xuất lúa lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đang thực sự cần thiết để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]