Hiệu quả từ mô hình nhà ở bán trú cho HS dân tộc

0
Từ năm học 2011-2012, ngành giáo dục đào tạo Lai Châu đã triển khai việc đưa học sinh cuối cấp tiểu học từ các điểm bản về trung tâm học và tổ chức cho các em ở bán trú.

Đối với huyện Mường Tè, một huyện có đường giao thông đi lại và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cách làm trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đồng thời giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Theo bước chân dẫn đường của cô bé người La Hủ, Vàng Pé Nam, học lớp 5 trường Tiểu học số 2 xã Bum tở, huyện Mường Tè (Lai Châu), chúng tôi vượt gần 5km đi bộ băng rừng, lội suối  để về thăm nhà cô bé. Thấy chúng tôi, chị Vàng Mò Pứ, mẹ em Nam phấn khởi, nói: "Ở trường có nhà ở sạch sẽ, được ăn no và an toàn nên con tôi nói không thích về nhà tí nào, tôi rất yên tâm và rất vui. Ở trường con tôi sướng hơn ở nhà rồi."

Từ khi được về trường trung tâm học và ở nội trú, em Nam đã tiến bộ hơn rất nhiều. Từ một học sinh học yếu, Nam đã trở thành một trong những học sinh có học lực khá, giỏi trong lớp. Do vậy, bố mẹ rất vui mừng và yên tâm.

Hiện trường tiểu học số 2 Bum Tở, xã Bum Tở, huyện Mường Tè có 13 lớp với gần 200 học sinh, trong đó có 39 học sinh lớp 4, 5 từ các trường điểm bản về trường trung tâm học.

Tại đây các em được ở nội trú và thời gian học tập tốt hơn. Tuy là trường 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng số lượng học sinh khá, giỏi chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể năm học 2012-2013, học sinh khá, giỏi của nhà trường đạt trên 15%, tăng 16 học sinh so với năm học trước, đặc biệt học sinh học lực yếu giảm đều và không còn học sinh yếu kém.

Thời gian đầu, việc triển khai đưa học sinh về trung tâm học tại trường Tiểu học số 2 xã Bum Tở, huyện Mường Tè đã gặp rất nhiều trở ngại về phía gia đình bởi lý do các em còn quá nhỏ để sống xa người thân, nhưng giờ thì đã khác, những hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn lại rất phấn khởi và ủng hộ.

Cùng với chất lượng được nâng lên thì việc tổ chức ở nội trú đã tạo điều kiện cho các em có thời gian sinh hoạt văn nghệ nhiều hơn, được chăm sóc tốt hơn và được nâng cao tinh thần tập thể.

Em Vàng Thị Đông, học sinh lớp 5, dân tộc Thái, có nhà ở cách xa trường tới 10km cho biết: "Nhà em ở rất xa, thầy cô đưa em về học ở đây, em vui lắm. Ở đây em có rất nhiều bạn bè, em được học và trao đổi bài với bạn bè nhiều hơn, được sinh hoạt văn nghệ. Em hứa sẽ học thật giỏi để bố mẹ thầy cô vui lòng."

Những cái "được" sau hơn một năm triển khai việc huy động học sinh lớp 4, 5 về trung tâm học của trường Tiểu học số 2 Bum Tở cũng là nhận định chung của 25 trường tiểu học trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Mường Tè.

Theo đánh giá của phòng giáo dục huyện, khi đưa các em về trung tâm học đã khắc phục được tình trạng nhiều học sinh thường xuyên bỏ học để theo bố mẹ lên nương, vào rừng, do vậy tỷ lệ học sinh đi học đều hơn (trên 95%).

Cùng với đó, việc làm này đã khắc phục tình trạng lãng phí biên chế giáo viên bởi những lớp học ở điểm bản, dù chỉ có 7-8 học sinh cũng phải có một giáo viên quản lý và dạy học, chưa kể đến phải dạy lớp ghép, hiệu quả và chất lượng giáo dục sẽ không cao.

Từ khi đưa các em học sinh ở điểm bản về trung tâm học, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2011-2012, học sinh giỏi của huyện là gần 120 em, tăng 25 em so với năm học trước.

Việc đưa học sinh lớp 4, 5 về các trường trung tâm học đã tạo điều kiện để con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm và ổn định môi trường học tập, có điều kiện  nắm vững kiến thức để chuẩn bị bước vào cấp học tiếp theo.

Trong số những em chuyển về trung tâm học, sẽ có những em có thể học cao hơn nữa, góp phần đổi thay trên quê hương còn nhiều khó khăn này./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]