Hiệu quả từ mô hình trang trại

Có thể nói, nguyên nhân mô hình trang trại tại TP. Móng Cái đang phát triển mạnh là do được cả chính quyền và ngân hàng vào cuộc. Tweet

15.6014

Đầm tôm của chị Dịu cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Kinh tế ở TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đang thay đổi từng ngày. Trong sự phát triển chung ấy, có dấu ấn không nhỏ của Agribank chi nhánh Móng Cái thông qua việc đẩy mạnh cho vay với nhiều ưu đãi về lãi suất, thủ tục và hỗ trợ khách hàng phát triển kinh tế trang trại. Đây được xem là mô hình sản xuất mới đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Đặc biệt, với 2 thương hiệu sản phẩm thế mạnh của địa phương là tôm thẻ chân trắng Móng Cái và lợn Móng Cái mà UBND TP. Móng Cái đã và đang xây dựng được xem là lợi thế so sánh cần nhân rộng, phát huy. Đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2015, thành phố tập trung, ưu tiên phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Agribank chi nhánh Móng Cái - ông Lê Xuân Long cho biết, là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, Agribank Móng Cái luôn chú trọng nguồn vốn cho vay hỗ trợ người dân. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 và theo Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là các mô hình trang trại. Tính đến 30/9/2014, trong tổng dư nợ của toàn chi nhánh là 585,2 tỷ đồng, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,7%.

Chị Lê Thị Thúy Dung, chủ trang trại Lợn Móng Cái tại thôn 10, xã Hải Đông, TP. Móng Cái, một trong những chủ nhân phát triển kinh tế trang trại hiệu quả cho biết, trong hai năm tìm tòi, học hỏi về nuôi lợn Móng Cái, chị đã xây dựng được trang trại lớn đầu tiên với 180 lợn nái Móng Cái thuần chủng và khoảng 30 lợn giống hậu bị, cung cấp lợn giống cho nhu cầu chăn nuôi của cả thành phố. Đây cũng là cơ sở sản xuất giống lợn Móng Cái đầu tiên được chính quyền sở tại chú trọng phát triển xây dựng thương hiệu “Lợn Móng Cái” thành một sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Theo chị Dung, để đầu tư mở rộng và phát triển trang trại cần số vốn khá lớn. Bên cạnh số vốn tự có, vốn hỗ trợ của thành phố thì nguồn vốn kịp thời từ Agribank Móng Cái hơn 4 tỷ đồng đã giúp chị mạnh dạn đầu tư thêm chuồng trại, lợn giống, thức ăn... Dự kiến trang trại mỗi năm sẽ xuất khoảng 4.000 lợn con cung cấp lợn giống cho các cơ sở chăn nuôi, các hộ dân trong toàn thành phố và cung cấp lợn thịt, lợn sữa cho các cơ sở chế biến... Chị Dung nhấn mạnh, với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, trang trại sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng và phát triển giá trị lợi thế của thương hiệu lợn Móng Cái.

Trường hợp của chị Đặng Thị Dịu tại khu 7 phường Hải Hòa, TP. Móng Cái cũng là một ví dụ điển hình về phát triển mô hình kinh tế trang trại. Được Agribank Móng Cái hỗ trợ cho vay vốn từ những ngày đầu thành lập, trang trại nuôi tôm chân trắng của chị Dịu đang cho thu nhập gần 3 tỷ đồng mỗi năm.

Theo chị Dịu, nuôi tôm thẻ chân trắng là lợi thế của Móng Cái và có nguồn thu nhập khá cao. Vì thế, trong quá trình xây dựng, mở rộng các đầm nuôi tôm, chị nhận được sự hỗ trợ rất lớn nguồn vốn của Agribank Móng Cái. Đến nay, chị đã xây dựng được 9 đầm tôm diện tích 5ha trên tổng diện tích 32ha. Đây cũng là trang trại nuôi tôm công nghiệp đầu tiên ở Móng Cái được đầu tư công nghệ cao. Vừa qua, chị là đại diện duy nhất của Quảng Ninh đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014” do Trung ương Hội Nông dân trao tặng.

Có thể nói, nguyên nhân mô hình trang trại tại TP. Móng Cái đang phát triển mạnh là do được cả chính quyền và ngân hàng vào cuộc. Giám đốc Lê Xuân Long nhấn mạnh, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt liên kết với các tổ chức đoàn thể, xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cho vay theo các tổ, nhóm nhằm phát triển mạnh tín dụng đến các hộ dân.

Theo Thời báo Ngân hàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]