Hiệu quả từ nguồn vốn kích cầu

TP - Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chi nhánh Quảng Nam đã nỗ lực huy động vốn để mở rộng thị trường tín dụng, là bạn đồng hành của các doanh nghiệp (DN).

15.6009

Gói kích cầu đúng lúc

Theo Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Quảng Nam, năm 2010 nhiều DN trên địa bàn tỉnh rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Khó khăn chung của nhiều DN trong tỉnh là không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, sản xuất kinh doanh trì trệ, từ đó kéo theo hệ lụy đời sống người lao động rất bấp bênh.

Do vậy, khi các DN đến “gõ cửa”, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Quảng Nam đã ký hàng loạt hợp đồng đảm bảo vay vốn để các DN đảm bảo tiến độ khi triển khai thực hiện các dự án. Hiện có 288 DN/3.357 DN đóng trên địa bàn tỉnh quan hệ tín dụng thường xuyên với ngân hàng. Doanh số cho vay đạt gần 1.000 tỷ đồng với dư nợ 1.325 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng cho DN ngoài quốc doanh vay 992 tỷ đồng, gồm vay ngắn hạn 424 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 32%), vay trung hạn 34 tỷ đồng (chiếm 2,57%) và cho vay dài hạn 858 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 65%).

Số lượng khách hàng là các DN không ngừng tăng, là cơ sở để chi nhánh đầu tư có chiều sâu, khai thác đối tượng khách hàng tiềm năng, tập trung vốn vào các DN có quy mô sản xuất khác nhau. Đặc biệt, ngân hàng cho vay vốn các dự án lớn, khi đưa vào sử dụng trực tiếp phục vụ nông nghiệp, nông thôn như các Dự án thủy điện A Vương, thủy điện Đăk Min 4, thủy điện Sông Tranh 2, Nhà máy Kính nổi Chu Lai với tổng dư nợ là 858 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng cũng dành vốn cho các DN đầu tư các lĩnh vực chế biến nông lâm nghiệp, các chủ trang trại lớn và DN trồng, khai thác rừng.

Bà Phạm Thị Thanh Dung - Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Quảng Nam khẳng định: “Ngân hàng luôn có chiến lược kinh doanh chiều sâu, tập trung vốn vào các DN có quy mô, đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất khác nhau. Nguồn vốn của ngân hàng sẽ tạo đòn bẩy để DN tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh, sản xuất và “giữ chân” lâu dài người lao động”.

Chưa kịp vượt qua “bão” khủng hoảng kinh tế, không ít DN đầu tư cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp lại gặp rủi ro khác, đó là thiên tai, mất mùa. Việc cung ứng giống trên thị trường của DN vì thế cũng bị... chao đảo. Gần 2 năm qua, Cty CP Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam đã thất thu hàng trăm triệu đồng do lũ lụt tàn phá giống cây trồng, nguy cơ khó cung ứng đủ giống cây trồng cho bà con trong mùa vụ mới.

Tuy nhiên, nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi nhiều tỷ đồng của Ngân hàng NN-PTNT, chi nhánh Bắc Điện Bàn, Cty đã kịp thời thanh toán nguồn nguyên liệu đầu vào, phục vụ kịp thời sản xuất giống nông - lâm nghiệp của toàn tỉnh. Lãnh đạo Cty CP Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam phấn khởi: “Gói kính cầu hỗ trợ lãi suất cho DN vay tuy chưa phải lớn, song đã động viên DN duy trì kinh doanh, sản xuất và có nhiều cơ hội thoát khỏi rủi ro ngay trong thời điểm khó khăn nhất”.

Chất lượng tín dụng trong đầu tư vốn cho các DN luôn được ngân hàng quan tâm đúng mức. Giữa ngân hàng và DN luôn tương tác, hỗ trợ nhau. Thời gian qua, nhiều DN lâm vào tình trạng khó khăn, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ để giảm áp lực nợ quá hạn cho khách hàng. Đây có lẽ là sự “sẻ chia” lớn của ngân hàng khi thực hiện phương châm “Lợi ích của DN cũng là lợi ích của ngân hàng”.

Cách đây không lâu, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bị ế ẩm trên thị trường, Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành) đang trên bờ phá sản. Nhưng, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Núi Thành cũng tạo điều kiện cho xí nghiệp này vay gần 1,5 tỷ đồng để vực dậy sản xuất.

Tuy vậy trong thời điểm kinh tế khó khăn, không ít DN trên địa bàn tỉnh cũng nợ nần chồng chất. Theo lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Quảng Nam, Cty TNHH Thực phẩm chế biến Á Châu nhiều năm liền là “bạn hàng” tin cậy của Ngân hàng NN-PTNT Bắc Điện Bàn, nhưng khi việc kinh doanh chế biến, xuất khẩu cá ba sa của công ty không ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, DN nợ ngân hàng lên đến hơn 59 tỷ đồng. Đối với những trường hợp này, ngân hàng và DN đã “ngồi lại” tìm giải pháp hợp lý để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Báo giấy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]