Ho, hắt hơi không nên che tay

Giadinh.net - Ông Nguyễn Duy Bảo, Trưởng phòng Vệ sinh lao động, Viện Y học Lao động - Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho biết, tại các trường học, công sở, mặt bàn học, bàn làm việc, sàn nhà là nơi có khả năng dễ lây lan cúm A/H1N1.

15.6135
>
>
 
Đường lây truyền là do bàn tay tiếp xúc với các dịch, giọt bắn từ đường hô hấp của người bị nhiễm cúm A/H1N1 rơi xuống các bề mặt bàn, dụng cụ và sàn nhà sau khi phát tán ra không khí.

Virus cúm trú ẩn nhiều trên bàn

Theo các chuyên gia y tế, ngoài con đường lây lan trên mặt bàn, sàn nhà, đường lây truyền chủ yếu của cúm A/H1N1 là qua các giọt nước bọt khi chúng ta nói chuyện, hắt hơi và ho. Các hạt này là những phần tử nhỏ chứa các virus cúm trong đó và bắn ra với một vận tốc rất nhanh, khoảng 30- 80 cm/giây và đi xa trong vòng 1m.
 
Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1, cần thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115,
Fax: 04.37366241,
Virus cúm có thể sống rất lâu trên bề mặt bàn hoặc sàn nhà nếu không được tẩy, sát trùng hoặc trong môi trường điều hoà. Khi nuốt, hít phải những phần tử có chứa virus này, virus sẽ cư trú tại vùng hầu họng sau đó vào trong niêm mạc phế quản nhân lên và lan xuống phổi khi cơ địa người bị nhiễm giảm sức đề kháng. Ở một số người, virus xâm nhập vào vùng hầu họng có biểu hiện như cúm thông thường là sốt, ho, đau họng, đau mình.
 
Theo ông Nguyễn Duy Bảo, do đường lây truyền chủ yếu của cúm A/H1N1 là qua giọt bắn và tiếp xúc, vì vậy không nên che tay mỗi khi hắt xì hoặc ho vì virus cúm có thể sống rất lâu trên bàn tay. Cách tốt nhất là nên dùng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Hoặc ho và hắt hơi vào phía trên tay áo vào vùng khuỷu tay. Sau đó, nên bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy và đi rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn ngay lập tức.
 
Vì môi trường trường học là nơi tập trung đông người, cự ly giao tiếp rất gần, ông Bảo cho rằng, tốt nhất các bậc phụ huynh nên khuyên con mình thường xuyên đeo khẩu trang trong lớp học. Bởi đã có một số người đang bị nhiễm cúm nhưng không có biểu hiện như sốt, ho, đau họng. Ở các lớp mẫu giáo, mầm non, cần phải đảm bảo cho mỗi bé dùng riêng khăn mặt, khăn tay của mình, không dùng chung với bé khác.
 
Với trẻ em, nếu nhiễm cúm A/H1N1 cũng có biểu hiện giống như ở người lớn. Tuy nhiên, không phải bất cứ trẻ nào bị ho, sốt, đau họng... cũng là bị nhiễm cúm A/H1N1. TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, trẻ được nghi ngờ là nhiễm cúm A/H1N1 khi có đủ hai yếu tố: Sốt từ 38 độ trở lên và kèm theo các triệu chứng về hô hấp như: Viêm long đường hô hấp, ho hoặc đau họng và có yếu tố tiếp xúc với người bị nhiễm cúm A/H1N1. Trong đó, yếu tố tiếp xúc với người bị nhiễm cúm A là rất quan trọng.
 
Không nên che tay khi ho, hắt hơi. (Ảnh: Chí Cường)

Không tự ý uống thuốc

BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM cho rằng, một biện pháp khá hiệu quả để chống cúm là nên tập thói quen súc miệng với dung dịch sát khuẩn mỗi buổi sáng, tối tại nhà. Khi đã đeo khẩu trang, tuyệt đối không được sờ vào mặt trước của khẩu trang vì nguy cơ lây nhiễm cho chính bản thân là rất cao.

Cũng theo BS Thanh Hà, nên để nhà cửa thông thoáng bằng việc mở rộng cửa sổ, cửa ra vào, dùng quạt điện thay bằng máy lạnh để làm loãng và giảm nồng độ virus trong không khí để phòng cúm. Vì khi mở cửa sổ và cửa chính để thông khí tự nhiên sẽ đạt được 12 luồng không khí đổi mới được trao đổi mỗi giờ. Như vậy, nếu lượng virus phát tán trong không khí từ người bệnh vào môi trường sau 30 phút chỉ còn lại là 0,3% và sau 1 giờ còn lại 0%. Hiện nay, đây vẫn là phương pháp hữu hiệu để làm pha loãng và giảm nồng độ virus trong không khí và môi trường hữu hiệu nhất, ít tốn kém và dễ thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Đường dây nóng của Báo GĐ&XH những ngày qua đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại của bạn đọc hỏi về việc có nên cho các thành viên trong gia đình uống thuốc kháng virus cúm như Tamiflu hoặc một số thuốc kháng cúm khác khi bị ho sốt hoặc uống trước để phòng bệnh khi lỡ tiếp xúc với người nhiễm cúm?
 
Về vấn đề này, Bộ Y tế đã khuyến cáo không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế, vì  không phải tất cả mọi người bị cúm đều phải dùng thuốc. Trong đó, nguy cơ kháng thuốc và biến chứng do uống thuốc là rất cao. Riêng với những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Mai Thúy – Việt Tuấn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]