Theo như giới thiệu, phòng tranh Cảm xúc đại ngàn của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi không phải là triển lãm đầu tiên của ông thực hiện ở Việt Nam từ khi định cư ở Mỹ.
Một vài nét chính về ông có thể có ích cho những người yêu tranh. Họa sĩ năm 1947 tại Vĩnh Phú (cũ), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Nghề nghiệp chính là vẽ tranh, minh họa bìa sách và báo. Ông từng là "cây cọ" chủ lực của NXB Vàng Son, Sài Gòn 1971-1975. Qua Mỹ, ông minh họa cho nhật báo Người Việt, Westminster, California (Mỹ). Cảm xúc đại ngàn có thể xem là cuộc triển lãm thứ ba Nguyễn Trọng Khôi "hồi hương" về Việt Nam. 
 Tranh họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Từng lưỡng lự, lưỡng phân trước rất nhiều đề tài nên người yêu tranh Nguyễn Trọng Khôi đều dễ dàng nhận ra ông luôn có những thúc hối, thay đổi về đề tài và sắc màu. Họa sĩ chia sẻ: “Những tác phẩm hội họa của tôi hôm nay không phải là một cảnh báo hay một thông điệp, mà chỉ là mời gọi và giới thiệu một không gian yên bình, không bất trắc, không tranh chấp hay mặc cảm; không gian mà chúng ta không phải bị áp lực trong sự so sánh hay giám sát bởi những cái nhìn đố kỵ, phân giai cấp…”.
Có lẽ vì thông điệp trên mà Cảm xúc đại ngàn tung vó với những đề tài dễ nhìn, dễ cảm trước thiên nhiên và về thiên nhiên chăng? Đó là ngựa hồng, trăng, núi đồi, người đẹp ngủ giữa hoang sơ, cỏ cây, biển, sóng, mây, gió...? "Đại ngàn" mút mùa và muôn thưở của "Cảm xúc". Tuy vậy, vẫn có một phản đề dành cho người yêu tranh Nguyễn Trọng Khôi. Đó là liệu ông có mâu thuẫn giới diễn giải chính mình "Không gian yên bình, không bất trắc, không tranh chấp hay mặc cảm" hay "Không gian không phải bị áp lực trong sự so sánh hay giám sát bởi những cái nhìn đố kỵ, phân giai cấp"  giản đơn đó là không gian cỏ cây, thiên nhiên "im tiếng nói" thuần phác đó chăng? Không, tôi nghĩ có thể họa sĩ đã quá đơn giản hay ngụy tín cấp một. Điều đó chỉ có thể dẫn dụ những lớp thưởng ngoạn dễ tính.
 
Bởi nếu sự yên bình chỉ có ở thiên nhiên "câm tiếng nói" thì chưa hẳn đã không có "không bất trắc, không tranh chấp". Mà đôi khi sự hoang sơ thuần phác lại là nơi chốn diễn ra những tranh chấp, mưu mô khôn lường của loài cầm thú hiện đại. Sự tàn phá thiên nhiên vì quyền lợi, quyền lực đã khiến đất trời đảo lộn. Và cả thế giới đang chao đảo có nguy cơ "sụp đổ" vì sự tân tiến, công nghệ đấy thôi! Sự hoang vu không tiếng nói của thiên nhiên đôi khi là tiếng thở dài giữa đất và trời khi con người nhân danh sự lọc lõi văn minh hay "man rợ mới" bóp chết trái tim thiên nhiên.  
Lại nữa, ngay nơi chốn đô thị vẫn có thể tung bay dạt dào "cảm xúc". Vẫn chân tâm "không phải bị áp lực trong sự so sánh"  hay "giám sát bởi những cái nhìn đố kỵ". Đó là thẩm mỹ hướng thiện, khát vọng vươn tới của con người. Tại sao không? Nếu không thế thì làm sao sống bình yên? Tôi nghĩ, điều này không mới! Vì quan niệm của người Á Đông "Thứ nhất là tu tại gia / Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa" vẫn được suy tôn và đề cao. Với tôi, ý thức này còn sống mạnh mẽ và rất lâu nữa trong cảm xúc phức tạp của tâm thế con người hiện đại và hậu hiện đại. Bởi đó là cách chọn duy nhất để bảo vệ năng lượng và ý thức sống - cuộc tồn tại của mình!
 Bình minh
Qua đây, tôi muốn nói thêm về tranh Nguyễn Trọng Khôi. Tôi yêu thích thế giới tĩnh vật giữa những mô phức của ông trong loạt tranh trước đây. Như những trái cam, trái táo găm qua dao, những cuốn sách tĩnh để ngổn ngang trên mặt bàn động vì quá nhiều đồ vật, những chai rượu hầm hố bên những viên sỏi nhỏ sáng dịu, ánh đèn chiếu hắt ra từ bóng tối... Tôi thấy tranh đó đúng là mô - típ "tu thân" giữa "bão chợ" hiện đại. Rất ngược với "cảm xúc đại ngàn" từ cách giải thích đến những tác phẩm trong cuộc triển lãm này! Đôi khi người Nghệ sĩ tìm thấy nét đơn giản trong sự phức điệu. Và ngược lại! Cũng giống như ý thức. Càng giải thích đôi lúc lại càng tăm tối. Chỉ khi mọi thứ im lặng sẽ bừng thức. Sáng rõ. Hội họa hiện đại cũng cần những phẫu thuật bóc tách vi tế như thế chăng?   
Biển ca 
Nói thêm trước thế giới tranh Nguyễn Trọng Khôi. Lạ! Tôi cảm giác ông đang bị bỏ quên. Hay tài năng của ông gần như chưa chạm "đến áo" các nhà phê bình. Đó đôi khi cũng là bi kịch không của riêng ai mà một thế hệ.
Tôi được xem những bức phác họa về thân phận con người của ông trong tập thơ "Nghiêng Cánh Tay Rừng" của một tác giả ở Đà Nẵng những năm 1985. Ông vẽ người đàn ông ngồi trong tư thế bưng thức, kiệt cùng cô đơn. Vóc dáng y cúi đầu, khoằm người, vẹo vọ, xụi xo trên ghế... như vô thức. Như lãng quên ý thức. Những hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến tên ông. Người họa sĩ có những khoảnh khắc bất thường để tác phẩm vẽ phác đó im đậm, nhớ mãi trong trí nhớ một đứa bé. Sau đó không lâu hình như ông rời khỏi Việt Nam.
 Tĩnh vật sách
Và thế, đứa bé thơ ấy vẫn luôn muốn tìm tên ông trong những cuộc triển lãm hay những bài báo viết về mỹ thuật. Không thấy bao giờ! Và thế hệ chúng tôi gần như không có ký ức gì về tranh Nguyễn Trọng Khôi hay cái tên Nguyễn Trọng Khôi. Và tôi tin nhiều người cũng đồng ý cũng vậy!
Trong khi những cái tên khác như các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Trịnh Cung, Hồ Hữu Thủ, Đinh Cường, Bửu Chỉ nào là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Công Nhân, gần nữa thì Hoàng Đăng Nhuận, Hoàng Tường, Nguyễn Thanh Bình…
Tịch nhiên không ông!...
 Nơi yên tĩnh
Và càng lạ lùng hơn, trong cuốn trong cuốn sách khảo luận viết về Nghệ thuật tạo hình Việt Nam của nhà nghiên cứu mỹ thuật khá uy tín Huỳnh Hữu Ủy giới thiệu và in ở nước ngoài viết về bao nhiêu tài danh, có những người tác phẩm "thua kém" Nguyễn Trọng Khôi rất xa cũng lạnh lùng không có một tiểu mục nào nhắc về ông!...
Kẻ tiên tri 
Thi thoảng hoặc đây đó Nguyễn Trọng Khôi vẫn được nói tới bởi những cây cao bóng cả, những người trọng lượng. Tôi nhớ có lần ngồi với họa sĩ Thái Tuấn ở cà phê cóc khá nhếch nhác, bẩn thỉu của con trai ông, anh Thái Kỳ, khi tôi hỏi ông về hội họa hiện đại, bất chợt ông hỏi ngược lại tôi, đã bao giờ xem tranh Nguyễn Trọng Khôi chưa?
Chỉ vậy, rồi ông im lặng!...
 Tĩnh vật
Sự im lặng của Thái Tuấn càng làm tôi tò mò về tranh của Nguyễn Trọng Khôi hôm qua và Nguyễn Trọng Khôi hôm nay! Để tôi đứng lặng và khai phá trước tranh ông giữa gallery Tự Do giữa một dòng chảy xô bồ nhộn nhịp hối hả của đời sống trẻ tươi Sài Gòn hôm nay...
 Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Vâng, tôi nghĩ, người nghệ sĩ lớn và tác phẩm của họ không thuộc về sống đông. Và tầm cỡ họ nảy nở đa dạng muôn chiều kích bởi những boong-ke ngột phức trong tâm hồn mình. Không vì ai! Không lệ thuộc ai!
Hay nói như André Malraux "Nghệ thuật là một phản kháng chống lại định mệnh...".
Một "tiểu tâm hồn" giữa "cảm xúc đại"!...
Và nó cũng chính là vũ trụ riêng đấy chứ!...
Sài Gòn, chiều 10.9.2014
Nguyễn Hữu Hồng Minh