Hoài niệm phố

TP - Hồi bao cấp được cưỡi con Super Cub 50 “rìn rìn” máy thì oách phải biết. Thời nay khi xe tay ga chạy đầy đường, dòng này trở nên hiếm mà không còn quý. Người ta dùng nó để chở hàng, chở gas và... làm du lịch.

0

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, xe cũng nhỏ

Patrick, ông khách trung niên to béo người Bỉ cứ lắc đầu quầy quậy khi nghe nữ hướng dẫn viên đề nghị đổi xe. “Tôi muốn ngồi chiếc này” - Patrick nói bằng tiếng Anh, giọng chắc đét. Rốt cuộc cũng nhận được cái gật đầu.

Hỏi mới biết, ông khách vô tình ngang qua văn phòng du lịch, thấy chiếc Cub 50 màu trắng có cái giỏ mây hay hay liền ghé vào. “Tôi xem ảnh, thấy người Hà Nội trước đây đi kiểu xe giống như thế này. Nên tôi muốn thử”, Patrick giải thích khi đặt một tour bốn tiếng vòng quanh thành phố. Cho nên ông đâu có chịu cưỡi một con xe khác dù đời mới hơn, sức tải cao hơn.

“Xe nhỏ, bọn em lại mặc áo dài. Khi chở khách phải tính tới an toàn. Thi thoảng mới có ngoại lệ” - Loan, cô hướng dẫn viên (HDV) trẻ cho biết. Hồi mới làm tour này, cô cũng run lắm. Quanh Hồ Gươm, ngõ nhỏ, phố nhỏ, đông người, lắm xe. Vừa cầm lái, vừa phải tiếp chuyện khách.

“Quen rồi mới thấy thú vị. Bọn em chạy tà tà, trò chuyện về Hà Nội.

Khách họ quan tâm đủ thứ, hàng rong hàng hoa, từ giá xăng dầu đến văn hóa của người Việt. Dĩ nhiên cả về con xe nữa”, Loan kể.

Theo anh Trịnh Văn Nam, giám đốc công ty Xeômtour Hà Nội - người kết hợp hình ảnh áo dài với chiếc xe máy dáng cổ - thì xuất phát điểm của ý tưởng chính từ những hoài niệm về phố cổ. “Tôi mê hình ảnh người con gái trong tà áo dài, đạp xe trên phố. Đi cùng với họ để khám phá lịch sử văn hóa ẩm thực Hà Nội sẽ là một cảm giác tuyệt vời”.

ngẫu hứng phố

Bám càng một tour thấy có chút ngẫu hứng. Cặp vợ chồng người Úc chờ chúng tôi trước cửa khách sạn. Đầu tiên chụp hình với con xe. Kế đó kéo cả đám vào thưởng thức ly cà phê trứng, bàn “kế hoạch tác chiến”. Nguyên do lần trước tới Hà Nội, họ đã đến Văn Miếu, Lăng Bác... nên muốn làm một vòng ngắm phố.

“Lộ trình thường tùy khách chọn, miễn làm sao giới thiệu được các nét đẹp của Hà Nội”, Loan nói.

Trên đường, người chồng mải mê với chiếc camera cầm tay. Ông khoe đang làm clip về Hà Nội phố trên nền nhạc không lời của một nghệ sĩ Việt Nam nào đó.

Dừng chân tại chợ hoa Hoàng Hoa Thám, bà vợ cứ kéo hai HDV chụp ảnh chung. Bà vốn nghĩ sang Việt Nam muốn “gặp” áo dài chỉ trong dịp lễ hội hoặc vào Opera house (Nhà hát Lớn) nên tranh thủ lưu lại kỷ niệm.

Rời chợ hoa, đoàn về chùa Trấn Quốc thắp hương rồi lại lòng vòng phố đến lúc đói meo. Ngồi trên xe, hai du khách đã muốn thử ăn một món dọc đường giống như người Việt. Họ chọn bánh ngô, ăn xong khen ngon, khen luôn: “Giao thông Hà Nội độc đáo, đi đường lòng vòng như rắn lượn”. Nghe mà lấn cấn trong bụng.

Quanh đi quẩn lại, giao thông Hà Nội vẫn là mối bận tâm của du khách. “Gặp khách quá cao to, chúng tôi phải lịch sự đề nghị khách chuyển sang dùng phương tiện khác an toàn hơn” - anh Nam cho biết - “ngược lại nhiều khách tỏ ra lo ngại khi ngồi sau “xế” nữ, nhưng hóa ra nữ lại lái xe an toàn hơn nam”.

Ông khách Patrick nói trên sau chuyến dạo phố an toàn, vui vẻ nhận xét Hà Nội dù là một thành phố đang phát triển, lắm công trình xây dựng nhưng vẫn còn giữ được các nét đẹp truyền thống. Điều đó chẳng sai, song muốn giữ lấy các nét đẹp ấy khỏi mai một cũng là vấn đề khiến chúng ta đau đầu không ít.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]