Học cách làm du lịch

Nhìn vào con số hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2013, rất nhiều người cảm thấy tự hào, bởi Việt Nam đang là điểm đến của khách du lịch quốc tế. Có được kết quả trên, Việt Nam đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của nhằm thực hiện các chiến dịch quảng bá, xây dựng thương hiệu.

0


Nhờ thế, năm 2013, Hà Nội đã lọt danh sách 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, sánh vai cùng rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Havana (Cuba), La Fortuna de San Carlos (Costa Rica), Kathmandu (Nepal), Jerusalem (Israel), Cusco (Peru), Ambergris Caye (Belize), Sapporo (Nhật Bản), Corralejo (Tây Ban Nha), Fortaleza (Brazil).


Không những thế, mạng thông tin điện tử du lịch quốc tế Touropia (touropia.com) còn công bố danh sách 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2013 mà các du khách không thể bỏ qua, trong đó có Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh.

 

Hội An được đánh giá có cách làm du lịch độc đáo.Lê Phú


Dẫu vậy, bức tranh du lịch Việt Nam năm 2013 không phải hoàn toàn là gam màu sáng. Liên tiếp các vụ bắt chẹt, chộp dựt xảy ra đối với du khách đã ít nhiều làm hình ảnh du lịch Việt Nam phần nào xấu đi mắt bè bạn. Theo các chuyên gia du lịch, ở Việt Nam không phải ở đâu cũng xảy ra nạn “chặt chém” du khách. Có rất nhiều điểm du lịch có chất lượng dịch vụ tốt, môi trường du lịch có nhiều ấn tượng và đang được xem là những điểm du lịch đáng đến.


Nhìn nhận về môi trường du lịch ở các thành phố lớn, nhiều người cho rằng cách làm du lịch ở Đà Nẵng, Hội An và Thừa Thiên - Huế đáng để nhiều địa phương khác học tập. Đơn cử, ở Hội An, chỉ mất 100.000 đồng là hành khách có thể ngồi xích lô thoải mái cho lịch trình đi chơi khắp phố cổ và không bị giới hạn về thời gian. Cũng tại phố cổ Hội An, không có chuyện du khách bị tiểu thương làm khó khi mua hàng, càng không có chuyện chèo kéo gây phiền hà cho du khách.


Ở Đà Nẵng, du khách được từ nhân viên taxi, người đạp xích lô đến mỗi người dân bình thường nhất, chào đón nồng nhiệt, thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Còn ở Thừa Thiên - Huế, hơn 350 học viên là những người đạp xích lô đã được tham gia khóa tập huấn đặc biệt do những giảng viên đến từ Đại học Hawaii (Mỹ) hướng dẫn. Khóa tập huấn đã đem lại một sự thay đổi cho những người đạp xích lô, bắt đầu từ thái độ niềm nở đối với du khách, đến việc nâng cao hiểu biết để người đạp xích lô còn là hướng dẫn viên du lịch, là “nhân vật” sống của Huế.


Lý giải cho sự khác biệt giữa các điểm du lịch được coi là hấp dẫn nhất Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cho rằng, đó là do nhận thức của người dân và thái độ của chính quyền sở tại. Cụ thể như Hà Nội, nếu như Hà Nội không quyết liệt vào cuộc chấn chỉnh tình trạng bắt chẹt khách, gây phiền nhiễu cho du khách; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, thì chắc chắn du lịch Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng.


Cò với vai trò là người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rừng, đối với khách quốc tế đến Việt Nam, nếu xảy ra tình huống gì làm xấu hình ảnh Việt Nam thì không chỉ có cơ quan nhà nước mà công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và có quyền được xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng chúng ta mong muốn đừng xin lỗi mãi. Tới đây, chúng ta phải đề xuất việc ai xin lỗi mới là quan trọng, bởi với hình ảnh du lịch quốc gia thì ngành du lịch xin lỗi là đúng, nhưng sau xin lỗi thì trách nhiệm, phân công quản lý rất rõ.

Cũng không khỏi buồn lòng khi nhìn vào con số thống kê, có thời điểm, trong số 100 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thì số khách quay trở lại chỉ chưa đầy 10%. Đó là tỷ lệ rất thấp so với các thị trường du lịch lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia… Ở những nước này, phần lớn danh lam thắng cảnh, hay nói đúng hơn là các sản phẩm du lịch phần nhiều do con người sáng tạo ra, nhưng khách cứ ùn ùn kéo đến. Trong khi Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có nhiều danh thắng, nhiều di sản thế giới do thiên nhiên ban tặng, thì lại cứ luẩn quẩn khai thác những gì có sẵn, mà chưa nghĩ ra những sản phẩm du lịch thật sự ấn tượng để thu hút khách.


Nếu nhìn vào con số thống kê khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm qua (7,5 triệu), thì có thể coi đó là một “kỳ tích”, bởi đó là con số mà ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện vào năm 2015. Tuy nhiên “kỳ tích” đó chẳng thấm gì so với sự tăng trưởng của các nước láng giềng Lào và Campuchia. Tại hội nghị tổng kết cuối năm, Tổng cục Du lịch đã thừa nhận dù đạt lượng khách quốc tế cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng khách thấp hơn (Lào tăng 15%, Campuchia tăng 20%) là do Việt Nam quảng bá yếu hơn.


Cần khẳng định rằng, văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến và duy trì hình ảnh du lịch quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của văn hóa trong các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam lại chưa được coi trọng đúng mức. Du lịch Việt Nam không thể chỉ dựa mãi vào những di sản, mà còn phải khai thác những giá trị văn hóa để làm cầu nối thúc đẩy du lịch phát triển. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người làm du lịch phải hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa hết sức đời thường của dân tộc để có những hoạt động xúc tiến thiết thực, tạo sự lan tỏa của “vẻ đẹp tiềm ẩn” đến với du khách.

 

Yến Nhi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]