Học cách tha thứ

Câu 'Anh/Em không đáng được tha thứ' bạn vẫn nói theo thói quen chính là lý do khiến mối quan hệ không thể cứu vãn.

15.586

Có nhiều người than phiền rằng dù đã chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho "đối tác" nhưng bản thân lại cảm thấy bứt rứt, không yên. Nguyên nhân có thể bạn chưa hiểu hết được ý nghĩa của từ "tha thứ". Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn hoàn thiện mình.

1. Tha thứ và lãng quên

Tha thứ không có nghĩa là bạn quên sạch những việc đã xảy ra. Bởi thực tế chẳng ai có thể làm được như thế, trừ những người bị mất trí nhớ. Bộ não của bạn có thể nhớ được tất cả những người làm bạn tổn thương (thậm chí còn nhớ lâu hơn người làm bạn vui vẻ). Do vậy, bạn nên giữ thái độ chủ động trong mọi việc.

Ví dụ như chồng/vợ bạn luôn quên tặng quà hay chúc mừng bạn nhân dịp sinh nhật. Biết vậy nhưng năm nào gần đến ngày, bạn cũng ngồi nhà và chờ đợi điều bất ngờ, để rồi nỗi buồn càng buồn thêm. Vậy tại sao bạn không tự lên kế hoạch về một buổi sinh nhật như ý muốn? Điều tồi tệ nhất không phải bị chồng/vợ phớt lờ mà là bạn đã quên yêu thương chính bản thân mình.

Tuy nhiên, tha thứ là một cách để khôi phục lại các mối quan hệ. Không phải là cố tỏ ra vui vẻ, giả vờ với cảm xúc thật nhưng đừng để sự tổn thương kéo dài quá lâu. Dù sao thì cũng chẳng có người hoàn hảo trên đời.

2. Tha thứ không có nghĩa là người ấy đã làm tốt

Bỏ qua lỗi lầm của chồng/vợ hoặc người yêu là điều có thể làm nhưng cần thiết hơn cả là cho người ấy biết rằng họ đã sai như thế nào? Và bạn đã bị tổn thương ra sao? Bạn không muốn mọi chuyện lặp lại lần nữa.

Những quan điểm này cần được thể hiện rõ ràng bởi mọi người có xu hướng hành động theo thói quen nhiều hơn suy nghĩ. Một khi bạn không cảnh cáo những chuyện tồi tệ đã xảy ra thì họ có thể nghĩ rằng: "Chẳng sao cả. Đằng nào cũng phải xin lỗi và lại được tha lỗi thôi".

3. Nếu bạn tha thứ nhưng người ấy không thực sự hối lỗi

Sự tha thứ của bạn không đồng nghĩa với thái độ của người gây lỗi. Ngược lại, có những người sau khi được tha lỗi còn cho rằng họ đang được bạn thương hại và kể từ đó, luôn giữ thái độ "tự vệ", sẵn sàng "xù lông" khi cần thiết. Và điều này lại là kẻ thù của các mối quan hệ. Trong trường hợp này, thái độ của bạn vô cùng quan trọng. Hãy cho thấy rằng hành động tha thứ của bạn không phải là sự ban ơn nhưng cũng chỉ "khoan nhượng" được lần này.

4. Đừng bao giờ nghĩ rằng người ấy không đáng được tha thứ

Trong cuộc sống, ai cũng có một giá trị nhất định và điều đó tạo nên bản sắc, cá tính riêng. Ngay cả khi họ phạm lỗi thì ở một khía cạnh nào đó, họ vẫn rất tốt. Chính bạn cũng vậy thôi. Cũng sẽ có lúc bạn mắc lỗi và cần sự bao dung từ người khác. Vì thế, đừng bao giờ nói với đối tác của bạn rằng: "Anh/Em không đáng được tha thứ". Câu nói trong lúc tức giận này sẽ khiến người ấy tổn thương ghê gớm và có thể sẽ xóa đi tất cả mọi điều mà hai người đã cố gắng.

Hãy nhớ rằng nếu vui vẻ tha thứ thì hãy làm. Còn không thì "giải thoát" cho nhau. Trong tình cảm, không có thang đo xứng đáng hay không mà chỉ có sự phù hợp.

Tường Vi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]