Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội)

Là người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Tiểu học, bà có nhận định gì về những khóa học ngoại khóa  tại nước ngoài cho trẻ mà nhiều trung tâm hiện nay đang tổ chức?

TS Vũ Thu Hương: Những khóa học này có thể được tổ chức rất tốt nhưng đối với các con nhỏ thì chưa thực sự cần thiết. Vì, các bé ở độ tuổi này chưa tự lo được cho bản thân, nhiều bé còn chưa có những kỹ năng sống cơ bản nhất cần có. Còn  các cháu cấp 2 trở lên phù hợp hơn vì đã có một sự chuẩn bị và nhận thức mọi vấn đề cao hơn.

"Du học hè chưa thực sự cần thiết đối với các bé ở lứa tuổi tiểu học Việt Nam (ảnh minh họa)

Vậy những khoản tiền mà phụ huynh họ bỏ ra cho con ở độ tuổi tiểu học (6-10 tuổi) đi ra nước ngoài du học có thực sự được như mong đợi?

Đầu tư và giáo dục cho con cái có nhiều cách và du học hè là một trong những phương pháp như vậy. Ở châu Âu, việc đi học ngoại khóa là không hiếm.Tôi đã từng ở đó và có cháu nhỏ cũng theo học ở đó nên tôi biết họ dạy thế nào. Ngay từ khi 5 tuổi các bé được những kỹ năng cơ bản nhất: cầm dao, kéo, kim, búa, học làm vật dụng bằng tay, tự lo lắng cho bản thân, học giáo dục giới tính và học để biết nhận biết người tốt kẻ xấu.

Khi lên 6 tuổi bắt đầu học làm các bữa ăn đơn giản, rửa bát, giặt đồ, lau dọn. 7 tuổi: học làm bánh kem, bàn, ghế và chất lượng tính điểm đạt là: có thể bán lấy tiền.

Các cháu tiếp tục được học giáo dục giới tính. Các bé từ khi 6 tuổi đã đi ngoại khóa qua 1 đêm. 7 tuổi đi ngoại khóa 2 đêm (trong rừng) và phải tự lo lắng cho bản thân hoàn toàn.

 Học ngoại khóa theo nhóm là hoạt động quen thuộc với nhiều trẻ em tại các nước châu Âu (Ảnh minh họa)

Lúc mới 5 tuổi, các cháu đã đi lại trong thành phố với thầy cô giáo rất thoải mái. Một tuần 1, 2 buổi đi học xem kịch, opera, sở thú bằng các phương tiện giao thông công cộng. Cái đó cũng là việc cho các cháu làm quen với giao thông. Các cháu được học cách tự sang đường khi có đèn đỏ và không có đèn đỏ cùng cô giáo…

Trong những đợt ngoại khóa đó, tuyệt đối không có ai giúp đỡ trẻ về mọi việc mà họ chỉ hướng dẫn. Trẻ phải học các quy tắc an toàn và kỷ luật, dĩ nhiên là kỷ luật vô cùng nghiêm khắc và các quy tắc an toàn cũng không được phép sai sót dù chỉ một ly. Cái này là luật rồi, đứa trẻ nào sai luật sẽ bị phạt rất nặng.

Những khóa học kiểu này giúp em nước ngoài trưởng thành hơn nhưng so với mặt bằng chung của trẻ Việt Nam, các em chưa được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài thì liệu có phù hợp? Như vậy, liệu khi tiếp xúc với những tình huống đặc biệt liệu các em có ứng phó được tốt?

Ở nước ta, cha mẹ có xu hướng không tin vào con cái, nên thường quá bao bọc. Do vậy tự dưng “hất” trẻ vào một trại hè nước ngoài, đảm bảo sẽ gây tác hại nhiều hơn là lợi ích. Khi con chưa vững về kinh nghiệm sống thì ngoại ngữ có giỏi mấy cũng chưa thể gọi là thuần thục.

Không có bất kể ai dám đảm bảo 100% trẻ không gặp sự cố. Bởi trẻ không có đủ khả năng tự ứng phó với những tình huống bất ngờ. Nếu bị lạc, làm thế nào để tự tìm đường trong khi những người lớn như chúng ta có vốn sống và khả năng ngoại ngữ vững vàng, khi lần đầu đi du học nước ngoài vẫn có nhiều khả năng không tìm được đường về khách sạn.

Như vậy thế nào gọi là kỹ năng sống cần thiết đối với trẻ ở độ tuổi này?

Kĩ năng sống là các kĩ năng dùng cho cuộc sống (để có thể tự tồn tại khi không có người lớn), không chỉ có việc tự làm việc nhà mà còn có kĩ năng tự ứng phó với mọi tình huống. Tình huống thể hiện trước đám đông hay tự tin giao tiếp chỉ là 2 trong hàng ngàn tình huống mà lại ít xảy ra, có khi cả chục năm mới có độ vài lần.

Không phủ nhận hiệu quả của việc tự tin giao tiếp trước đám đông nhưng không phải cứ học bây giờ là lớn lên có thể giao tiếp tốt. Mà muốn giao tiếp và hòa nhập nhanh với thế giới bên ngoài lại cần những kỹ năng rất cơ bản như: cách cầm dao, kim, cách tham gia giao thông hay học bơi… Còn có những tình huống nguy hiểm như đột nhiên trẻ ngửi thấy mùi khét, trẻ sẽ làm gì...

Đứng trên phương diện là phụ huynh, chị có chia sẻ gì với các bậc cha mẹ về vấn đề này?

Đứng trên góc độ là cha mẹ, tôi không ngại cho con  đi học nước ngoài, vì mầm non con tôi học ở nước ngoài và về nhà nó vẫn được học kiểu đó. Nhưng việc con chưa đủ kinh nghiệm sống mà bản thân bố mẹ không giáo dục, chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất như rửa bát, quét nhà, khâu vá, cách sử dụng các đồ vật… đã vội cho con đi xa là một việc làm mạo hiểm với sự an toàn của các bé thiếu nhi.

Tôi luôn ủng hộ nếu các cháu có đủ kinh nghiệm sống và cha mẹ đủ điều kiện để cùng con mình tham gia những khóa học như vậy.

Theo Uyên Bùi (VTC News)


Video đang được xem nhiều