Học kỹ năng “làm sếp”

Doanh nghiệp phát triển, toàn bộ hệ thống hoạt động phải đổi mới, đó là lúc người lãnh đạo cũng phải nâng cao kiến thức và kỹ năng. Một trong những kỹ năng được nhiều người quan tâm, đó là kỹ năng “làm sếp”.

31.1836

Một lớp học kỹ năng lãnh đạo.

KHÔNG CHỈ NÂNG CAO KIẾN THỨC

Chưa bao giờ phong trào đi học “làm sếp” tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện kỹ năng “làm sếp” như Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Công ty Tư vấn và Đào tạo Innma, Viện Kế toán và Quản trị Doanh nghiệp, Công ty Tư vấn và Đào tạo nguồn nhân lực Le & Associates (L&A), Viện Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, Trường Đào tạo Doanh nhân Trẻ... lại sôi động như hiện nay.

Lượng học viên lúc nào cũng đông, mỗi khóa học mới, sĩ số lớp học đều tăng hơn khóa trước 5-10 học viên. Nhân viên ghi danh tại Công ty Innma cho biết: “Hoạt động mới chỉ gần hai năm nhưng Công ty đã đào tạo gần 2.000 lượt học viên”.

Viện Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam trung bình mỗi tháng tiếp nhận gần 700 lượt học viên cho các chuyên ngành quản lý khác nhau. Chuyên đào tạo kỹ năng lãnh đạo tại các doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng tại Công ty L&A có 5, 6 công ty đến đăng ký, mỗi công ty có hai lớp, mỗi lớp 60-70 học viên.

Không chỉ giám đốc các doanh nghiệp mà ngay cả sinh viên, các cán bộ quản lý đang chuẩn bị lập công ty muốn trang bị thêm kiến thức hoặc được đề bạt lên vị trí cao hơn cũng tham gia khóa học. Các khóa học vì thế cũng có nhiều trình độ, cấp bậc khác nhau.

Chẳng hạn, các giám đốc doanh nghiệp, các lãnh đạo quản lý cấp cao của doanh nghiệp thì học các lớp đào tạo CEO, CPO, CFO... Còn cán bộ quản lý cấp trung hoặc sinh viên, nhân viên thường học các khóa huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, đàm phán, quản lý dự án...

Hầu hết các giám đốc đều cho rằng, theo học các khóa học lãnh đạo và quản lý, mục đích của họ không chỉ để nâng cao kiến thức mà còn là để giải quyết được ngay công việc hiện tại.

Sinh viên Võ Lê Thy, sau khóa học kỹ năng ra quyết định chia sẻ: “Khả năng ra quyết định đúng đắn không những giúp công việc đạt được hiệu quả mà còn tránh được nhiều sai lầm. Qua khóa học, tôi đã biết được bốn bước để ra một quyết định đúng đắn, đó là hiểu vấn đề, nhận định các giải pháp, đưa ra lý lẽ phân tích và cuối cùng quyết định giải pháp tốt nhất”.

Anh Nguyễn Thanh Dũng - Giám đốc Công ty Thanh Dũng cũng kết luận: “Trong các chuyên đề như hoạch định kiểm soát công việc, giải quyết vấn đề và ra quyết định, sử dụng quyền lực trong quản lý... tôi tâm đắc nhất là khóa học tạo động lực làm việc cho nhân viên. Trước đây, tôi ít gần gũi nhân viên và rất khắt khe trong công việc đến mức tạo áp lực cho họ. Mặc dù lương tôi trả cao hơn chỗ khác nhưng nhân viên vẫn “bỏ tôi đi” vì... không khí làm việc quá căng thẳng. Sau khóa học, được nghe giảng viên phân tích, tôi đã “biết cách” làm cho nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc và đã... giữ được chân họ”.

ĐÀO TẠO CŨNG PHẢI “BIẾT CÁCH”

Để lớp học không chỉ tập trung vào lý thuyết, nhàm chán, đơn điệu, nhiều trung tâm cũng phải “biết cách” thu hút học viên và tạo không khí hoạt náo, sinh động cho các buổi học. Phương pháp vừa học vừa chơi, tạo tình huống cho người học chủ động hòa nhập, tham gia ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm đã trở nên quen thuộc.

Một số trung tâm đã nỗ lực tìm tòi đưa ra nhiều phương pháp mới. Theo chị Nguyễn Thị Hồng Trang -Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty Tư vấn và Đào tạo nguồn nhân lực L&A - đào tạo cũng phải biết cách để học viên hòa nhập, thích thú hơn với khóa học.

Hiện nay, phương pháp đào tạo theo cách thảo luận đa chiều đã được cải tiến thêm một bước là giảng dạy theo phương pháp “sống”. Các học viên vẫn được phát tài liệu nội dung khóa học nhưng tài liệu này sẽ chỉ dùng để tham khảo khi kết thúc khóa học. Bởi việc tham khảo tài liệu trong quá trình học sẽ làm học viên mất tập trung trong các hoạt động của lớp, thậm chí có học viên do chỉ chăm chăm tham khảo tài liệu mà không theo kịp diễn biến của lớp.

Ngoài ra, phương pháp học “sống” còn có ưu điểm là các vấn đề được đưa ra thảo luận nhóm hoàn toàn không được sắp xếp trước mà do các thành viên trong nhóm tự đưa ra qua quá trình thảo luận, các giải pháp cũng vậy. Điều này khiến mỗi thành viên trong nhóm tham gia tích cực các hoạt động thảo luận, thể hiện tốt vai trò của mình trong nhóm.

Với phương pháp này, các vấn đề đưa ra sẽ là vấn đề thực tế mà học viên đang gặp phải. Các thành viên trong nhóm sẽ học hỏi không chỉ qua giảng viên, mà còn tự học qua bản thân, qua các đồng nghiệp (các thành viên khác trong nhóm), qua thành viên của các nhóm khác (với việc phải bảo vệ quan điểm của mình trước các nhóm khác).

Thăm một buổi học quản lý tại Saigon Co.op do Công ty L&A đào tạo, thấy không khí học thật sôi nổi, nhất là vào giờ thực hành có tên gọi “Mang gươm đi đánh xứ người”, thực hành khả năng giải quyết mâu thuẫn, khả năng thuyết trình, thuyết phục và thể hiện phong cách lãnh đạo.

Các học viên rất hào hứng, sôi nổi phát biểu, từng đội, nhóm hỗ trợ nhau cùng giải quyết vấn đề để đưa ra giải pháp tối ưu cho đội của mình. Một không khí đoàn kết, thân thiện, không có khoảng cách đã giúp nhiều học viên hăng hái, tự tin hơn.

Chị Nguyễn Thu Hiền - Phòng Kinh doanh Saigon Co.op - phát biểu: “Đi học không những có thêm kiến thức mà còn vui, giúp những người không quen biết cùng nhau hoạt động trong một nhóm, tạo sự gắn bó, rèn luyện tinh thần làm việc tập thể”. Chị Trịnh Thị Thanh Thủy - Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng nói: “Khóa học giúp tôi học hỏi rất nhiều điều từ phía các đồng nghiệp, trao đổi những kiến thức về chuyên môn, về kinh nghiệm quản lý”

Ý NHI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]