Học nghệ thuật lãnh đạo với bậc thầy số một

Cách đây vài tháng, doanh nhân TP.HCM đã có dịp làm quen với lý thuyết “Nhà lãnh đạo 3600” thông qua giảng viên kỳ cựu Jerry Aull. Ngày 16/6 tới, tác giả của lý thuyết này, John C. Maxwell, sẽ đến VN. Ông được mệnh danh là bậc thầy số một thế giới trong lĩnh vực giảng dạy về nghệ thuật lãnh đạo. John C. Maxwell đến VN đúng thời điểm mà “nghệ thuật lãnh đạo” đang trở thành chủ đề hàng đầu trong các diễn đàn và chương trình đào tạo dành cho doanh nhân.

15.6079

Sau thời gian dành sự quan tâm cao độ cho lĩnh vực thương hiệu, marketing và tài chính, các doanh nhân VN bắt đầu đầu tư cho “nghệ thuật lãnh đạo” - điểm yếu của nhiều doanh nhân không chỉ ở VN, đặc biệt là khi doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, cần một tầm vóc lãnh đạo, quản lý mới để tạo nên những giá trị đột biến và bền vững.

Trong nhiều diễn đàn, chính các doanh nhân VN cũng thừa nhận, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những người đang nắm giữ vai trò lèo lái những con thuyền doanh nghiệp tại VN hụt hẫng nhiều kỹ năng cần thiết của nhà lãnh đạo hiện đại trong bối cảnh kinh tế hiện đại. Ít đối thoại với cấp dưới, thiếu kỹ năng giao quyền, ít đầu tư cho công tác đào tạo nhân viên, không thường xuyên khích lệ và truyền “lửa” để nhân viên nhiệt huyết với công việc... là những thiếu sót cụ thể. Trong khi đó, “mọi sự thăng trầm đều phụ thuộc vào lãnh đạo” là một sự thật không cần bàn cãi.

Do vậy, các khóa học hoặc diễn đàn về nghệ thuật lãnh đạo gần đây rất được doanh nhân VN tìm đến. Không chỉ những kỹ năng “cứng” về các lĩnh vực kinh tế, mà các kỹ năng “mềm” đã được nhận thức như một trong những vấn đề quan trọng cần phải cải thiện. John C. Maxwell là người chuyên về lĩnh vực này. Ông được coi là bậc thầy số một thế giới về giảng dạy nghệ thuật lãnh đạo không chỉ bởi kinh nghiệm, số lượng đầu sách, ấn bản đã bán chạy trên thị trường, mà bởi chiều sâu và tính xác đáng trong các lý thuyết, nguyên tắc do ông đúc kết.

Tính đến nay, John C. Maxwell đã viết hơn 50 đầu sách về nghệ thuật lãnh đạo. Một số sách của ông đã được dịch ra tiếng Việt như “21 quy tắc không thể bác bỏ của nghệ thuật lãnh đạo” (The 21 Irrefutable Laws of Leadership), “17 quy tắc bất biến của làm việc nhóm”, “Nhà lãnh đạo 3600”, “Tài năng không bao giờ là đủ”...

Tổng cộng 13 triệu ấn bản của các đầu sách này đã được tiêu thụ trên toàn cầu. Trong đó, cuốn “The 21 Irrefutable Laws of Leadership” được xem là sách gối đầu của nhiều nhà quản lý, lãnh đạo và được khen ngợi bởi giá trị thực tiễn của nó. John C. Maxwell cũng đứng lớp giảng dạy về các nguyên tắc lãnh đạo của mình tới hơn 2 triệu nhà lãnh đạo trên nhiều quốc gia.

Ông còn là nhà sáng lập Injoy Group (Mỹ) - một tổ chức chuyên về huấn luyện và phát triển tiềm năng cá nhân và tài năng lãnh đạo. Các lý thuyết và nguyên tắc của John C. Maxwell được yêu mến, ứng dụng nhiều bởi sự mộc mạc nhưng hàm chứa nhiều sức mạnh và đã được chứng minh là những phương pháp hữu hiệu nhất trong thực tiễn.

Trong chuyến sang VN vào 16/6 tới, John C. Maxwell sẽ là báo cáo viên trong khóa học về chủ đề “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo dẫn lối thành công” do Học viện ITD tổ chức. Tại đây, ông tập trung giảng giải một số nội dung về thuật lãnh đạo như: Phát triển sự ảnh hưởng của nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ, giới thiệu những bài thực hành mới nhất về 5 cấp độ lãnh đạo, mô hình 5 bước để đạt đến trình độ cao nhất trong tiềm năng lãnh đạo, nhận ra sức mạnh của một đội ngũ lãnh đạo lý tưởng...

“Tôi đã dành cả đời mình để nghiên cứu phát triển nghệ thuật lãnh đạo. Lãnh đạo là yếu tố then chốt trong việc duy trì sự thành công của tổ chức. Để hiệu quả công việc tăng trưởng bền bỉ và thậm chí tăng theo cấp số nhân, điều quan trọng cần làm là bạn phải thiết lập cho được một đội ngũ lãnh đạo vững mạnh. Đối với các nhà lãnh đạo, khả năng nhận biết những vấn đề quan trọng nhất sẽ tốt hơn là nhận biết mọi vấn đề. Vì thế, tôi đã đúc kết những phần tinh túy nhất trong cuộc đời nghiên cứu của mình dành tặng các bạn tại hội thảo này” - ông chia sẻ.

Một số quan điểm về lãnh đạo của John C. Maxwell được đánh giá cao bởi giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu

Luật số 1: Năng lực lãnh đạo quyết định mức hiệu quả. Hai anh em Dick và Maurice McDonald là người sáng lập và phát triển nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s Hamburger. Họ đã thành công và thu nhiều lợi nhuận. Tuy vậy nỗ lực phát triển hệ thống nhượng quyền đã không thành công cho đến khi họ hợp tác với Ray Kroc.

Tài lãnh đạo của Ray đã đem lại thành công vượt bậc cho McDonald. Từ 15 cửa hàng năm 1955, họ phát triển lên 21.000 nhà hàng ở hơn 100 nước trên thế giới (vào thời điểm tác giả viết sách). Lý do về sự không thành công của hai anh em Dick và Maurice thật đơn giản: Họ là chủ nhà hàng, quản lý giỏi nhưng không có năng lực lãnh đạo.

Luật số 2: Ảnh hưởng là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá tài năng lãnh đạo. Tài năng lãnh đạo không gì khác hơn là sự ảnh hưởng của người lãnh đạo đối với người khác. Chúng ta thường ngộ nhận về tài năng lãnh đạo, cho rằng lãnh đạo và quản lý là một. Khi thấy một người có vị trí, chức danh, chúng ta thường gọi họ là lãnh đạo. Điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Vị trí và chức năng đóng vai trò rất nhỏ trong tài năng lãnh đạo. Sự lãnh đạo - hay chính xác hơn là sự ảnh hưởng - của một người đối với những người khác phải do người đó tạo ra, chứ không phải do bất cứ một sự áp đặt nào. Lãnh đạo là tạo ra sự ảnh hưởng để người khác đi theo, trong khi quản lý là duy trì hệ thống và quy trình.

Để kiểm tra năng lực lãnh đạo của một người hãy nói anh ta tạo ra sự thay đổi, một hướng đi mới tích cực cho tổ chức. Người quản lý giỏi, nhưng không có tài năng lãnh đạo có thể giữ được hướng đi của tổ chức, nhưng không thay đổi được hướng đi. Để chuyển tổ chức theo một hướng đi mới, anh ta cần sự ảnh hưởng - tức là tài năng lãnh đạo.

Luật số 4: Ai cũng có thể xoay bánh lái, nhưng chỉ có người lãnh đạo mới lái được con tàu về đích. Ai cũng có thể xoay bánh lái và đưa con tàu đi được một quãng đường, nhất là lúc trời yên biển lặng nhưng chỉ có người lãnh đạo mới có khả năng lập hải trình cho con tàu và dẫn dắt con tàu đến đích bất kể điều kiện hay hoàn cảnh nào.

Để lái con tàu - công ty, lãnh đạo phải có tầm nhìn xa và quan trọng là kế hoạch hành động tốt. Đó là một kế hoạch có mục tiêu, phân công cụ thể và có phương án phòng ngừa để giải quyết những vấn đề phát sinh trong cũng như ngoài dự án.

Luật số 5: Khi nhà lãnh đạo lên tiếng, mọi người lắng nghe. Mọi người chỉ nghe theo người lãnh đạo của họ và chưa chắc đó là người đang đứng trên bục. Nếu người lãnh đạo phải nhắc người khác mình là lãnh đạo thì chưa thật sự là lãnh đạo. Nhà lãnh đạo trở thành nhà lãnh đạo nhờ vào những yếu tố sau:

- Tính cách cá nhân, mối quan hệ với nhân viên, đồng nghiệp, kiến thức, linh giác - sự nhạy cảm về tình hình, kinh nghiệm đã trải qua, năng lực thật sự của cá nhân. Người quản lý không có tài năng lãnh đạo cố gắng để giữ vị trí, trong khi người quản lý có tài năng lãnh đạo giữ quyền lực của mình đối với nhân viên - đó là sự lắng nghe của nhân viên khi người lãnh đạo lên tiếng.

Luật số 10: Luật kết nối. Người lãnh đạo sẽ không thể chỉ huy nhân viên hành động nếu như chưa kết nối được với cảm xúc của nhân viên, chưa thật sự quan tâm đến nhân viên. Nhân viên không muốn biết mức độ tài giỏi và hiểu biết của lãnh đạo; họ chỉ muốn lãnh đạo quan tâm, lo lắng đến cá nhân, đến quyền lợi của họ như thế nào. Người lãnh đạo giỏi dùng cái đầu để lãnh đạo mình, nhưng dùng trái tim để lãnh đạo người khác.

Luật số 12: Luật giao quyền. Người lãnh đạo không thể tự mình làm hết mọi việc nên phải có khả năng nhận biết năng lực của nhân viên và giao quyền để họ phát huy tiềm năng cá nhân. Điều này đòi hỏi sự tự tin của người lãnh đạo và sự tin tưởng của người lãnh đạo vào nhân viên. Điều quan trọng người lãnh đạo cần nhớ: khi không cho nhân viên phát triển, dìm họ xuống thì người lãnh đạo sẽ đi xuống chung với họ. Người lãnh đạo tài năng sẽ không ngần ngại giao quyền và công nhận thành quả của nhân viên tài giỏi của mình, khi đó họ sẽ cùng phát triển.
 

NGHI LÂM - THANH HÀ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]