Hội chứng bà bầu thừa cân

“Mong con bụ bẫm, lớn phổng hơn những trẻ sơ sinh khác nên nhiều bà bầu ra sức tẩm bổ. Tuy nhiên, kết quả lại thường ngược với mong muốn”, BS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc TT Chẩn đoán trước sinh, BV Phụ sản TƯ cảnh báo.

15.5991

Tức tốc tăng cân

 

Ngồi đợi khám thai mà chị Minh P (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi sốt ruột khi thấy nhiều thai phụ khác mới được một, hai tháng mà ai cũng đã rất ra dáng bà bầu, tăng 2 - 3kg,  trong khi chị đến tháng thứ 4 của thai kỳ mà vẫn chưa có dáng “ỏng”… Dù bác sĩ đã khẳng định tình trạng thai nghén của chị rất tốt, nhưng vẫn chưa yên tâm, chị tự lên cho mình một chế độ ăn đặc biệt để con mình không bị mang tiếng “còi” từ trong bụng mẹ.

 

Vậy là mỗi sáng, chị ăn hai quả trứng gà luộc, một cốc sữa bà bầu kèm theo bánh mì hoặc phở.  Bữa sáng, bữa chiều chị cũng ăn rất nhiều đồ bổ dưỡng đã được mẹ chồng chuẩn bị sẵn, chưa kể đến tối trước khi đi ngủ còn uống thêm một ly sữa bầu. Cân nặng của chị lên vùn vụt, tuần 26 của thai kỳ chị đã tăng tới 10kg.

 

30 tuổi chị Lan mới mang thai đứa con đầu lòng, bố mẹ hai bên nội ngoại mừng hơn cả bắt được vàng, bắt chị tẩm bổ đủ thứ. Hai bà mẹ lên thực đơn hàng tuần và buộc chị phải “tuân thủ” nghiêm ngặt. Ăn nhiều đồ bổ dưỡng, lại ăn khoẻ, chị lên cân rất nhanh. Đến tháng thứ 5 của thai kỳ, chị đã tăng đến 9kg. Cả nhà mừng rỡ chắc mẩm “thằng cháu đích tôn” của cả nhà sẽ mập mạp, khoẻ mạnh hơn những đứa trẻ khác.

 

BS Cường cho biết, nhiều người quan niệm ăn càng nhiều thai nhi càng phát triển nên dẫn đến thừa chất, lên cân quá nhiều. Nhưng họ không biết rằng kéo theo sự lên cân quá nhiều là hàng loạt các nguy cơ như: tiểu đường thai nghén, tăng huyết áp, sinh con quá to dẫn đến phải sinh mổ…Đáng nói là tình trạng bà bầu tăng cân quá mức ngày càng có xu hướng gia tăng.

 

Hậu quả nặng nề

 

Như trường hợp của chị Minh P, mang thai đến tuần thứ 28 thì chị bị đau bụng quằn quại. Gia đình vội đưa chị đến bệnh viện, các bác sĩ kết luận: Thai chết lưu. Khi tiến hành xét nhiệm đường huyết, mức đường huyết của chị đã vượt ngưỡng thông thường tới 3 lần, 282 mg% trong khi đó trị số trung bình là 80 -110mg%.

 

Theo BS Cường, các bà mẹ tăng cân quá nhiều so với tiêu chuẩn đều có nguy cơ bị tiểu đường thai nghén. Trong quá trình mang thai, nếu đường huyết cao mà không được khống chế hiệu quả thì nguy cơ xảy ra những biến chứng đáng tiếc là rất lớn. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, người mẹ dễ bị sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Bệnh có thể gây tử vong cho chính thai phụ bởi sự chuyển hoá của toan hoặc các biến chứng khác của tiểu đường thai kỳ…

 

Hơn nữa, cùng bệnh hay kèm với cao huyết áp, bệnh tim mạch, làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành. Con của thai phụ tiểu đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và mắc nhiều bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, mạch vành…

 

Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ BV Nhi TƯ, nếu trẻ sơ sinh chào đời đủ tháng và nặng trên 3,8kg được xem là nặng cân. Hầu hết trẻ sơ sinh vượt ngưỡng cân nặng này đều phải được chăm sóc theo dõi chặt chẽ trong những ngày đầu. Đối với những phụ nữ mang thai tăng từ 15kg trở lên dễ sinh con thừa cân. Trẻ sơ sinh càng to, thì khả năng phải mổ đẻ của người mẹ càng cao, kéo theo một loạt nguy cơ như mẹ chậm có sữa nuôi con, phải dùng sữa ngoài khiến sức đề kháng trẻ yếu.

 

Nguy cơ trẻ sơ sinh bị thừa cân hiện nay đang tăng dần và sẽ là một rối loạn dinh dưỡng của trẻ em cần được can thiệp sớm. Nếu người mẹ có chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cân hợp lý sẽ giảm thiểu được nguy cơ sinh con thừa cân.

 

Tăng bao nhiêu cân là đủ?

 

Vậy với các bà bầu trong quá trình mang thai tăng bao nhiêu cân là đủ? Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi có thai, cần tăng trung bình 8 - 12kg là đủ. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào tình trạng cân nặng, dinh dưỡng của bà mẹ trước khi có thai mà sự tăng cân là khác nhau:

 

- Người mảnh khảnh cần tăng từ 12 - 18kg.

 

-  Người cân nặng trung bình cần tăng 11,5 - 16kg.

 

- Người đã dư cân chỉ cần tăng 7 - 8kg.

 

Sự tăng cân của thai nhi phụ thuộc vào sự tăng cân của mẹ. Nếu trong suốt 9 tháng thai nghén, người mẹ tăng cân hợp lý, trong đó 3 tháng đầu tăng 1-2kg; 3 tháng giữa tăng 5 - 6kg; 3 tháng cuối tăng 3 - 4kg thì trẻ sinh ra hầu như không có nguy cơ thấp cân mà đảm bảo cân nặng vừa phải, sức khoẻ tốt.

 

Các bà mẹ cần ghi nhớ, mẹ ăn uống quá nhiều sẽ sinh con béo phì. Ngược lại nếu người mẹ ăn uống kém, không tăng đủ cân trong quá trình thai nghén sẽ làm tăng nguy cơ mẹ bị suy kiệt sẽ sinh con suy dinh dưỡng. Khi đó việc nuôi dưỡng trẻ sẽ rất vất vả, sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

 

Do vậy, người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng, không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đường, nước uống có ga và nên tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ mỗi ngày.

 

Theo Dân Trí

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]