Hội chứng cận ung thư

Cảm giác đau mơ hồ, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, khiến cho cả bệnh nhân và thầy thuốc cho rằng đó là triệu chứng “suy nhược cơ thể”, hay “thoái hóa khớp”…

0

Nhưng nhiều khi, đó lại là dấu hiệu cảnh báo của kẻ thù giấu mặt - bệnh ung thư.

Thế nào là hội chứng cận ung thư?

Hội chứng cận ung thư (paraneoplastic syndrome) là một tập hợp những triệu chứng có nguyên nhân do các tế bào ung thư ở một cơ quan nào đó trong cơ thể gây nên. Những triệu chứng này xuất hiện thông qua các yếu tố thể dịch do khối u hoặc do phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể tiết ra với vai trò trung gian là các hormone và các cytokines. Nói một cách khác, hội chứng cận ung thư là những biểu hiện ở xa khu vực khối u, không phải là những biểu hiện cơ học của khối u tại chỗ cũng như do di căn.

Hội chứng cận ung thư (CUT) thường gặp từ lứa tuổi trung niên trở lên với các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, buồng trứng, u lympho,… Hội chứng này nhiều khi xuất hiện từ rất sớm trước khi ung thư được phát hiện.

Hội chứng cận ung thư xuất hiện trong khoảng 15% các trường hợp ung thư nói chung. Mặc dù chiếm tỷ lệ không cao, nhưng hội chứng này cần được chú ý vì hội chứng CUT thường xuất hiện trước khi chẩn đoán được bệnh nên là một dấu hiệu lưu ý cho cả bệnh nhân và thầy thuốc. Mức độ của hội chứng phản ánh mức độ tiến triển, khả năng di căn và đáp ứng điều trị cũng như khả năng tái phát bệnh nên có thể được dùng để theo dõi trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.

Hội chứng cận ung thư do đâu mà có?

Nguồn gốc phát sinh của hội chứng CUT tương đối phức tạp. Khi tế bào ung thư xuất hiện và tiến triển thành khối u, cơ thể sẽ sinh kháng thể để tiêu diệt các tế bào “lạ” này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xảy ra phản ứng chéo hay có sự “nhầm lẫn” dẫn đến việc các kháng thể bám vào cả các tế bào bình thường dẫn đến làm thương tổn các tế bào này. Thương tổn các tế bào thần kinh do kháng thể và tế bào lympho T là một ví dụ điển hình. Hội chứng CUT do thương tổn tế bào thần kinh lần đầu tiên đã được công bố năm 1965.

Một nguyên nhân khác nữa dẫn đến hội chứng CUT đó là do các tế bào ung thư tiết ra các chất có hoạt tính sinh lý cao như các tiền hormone, các hormone, các chất trung gian hóa học của quá trình viêm hay các cytokine và một số các ezyme khác. Tế bào ung thư cũng sản xuất một số loại protein chỉ có trong thời kỳ bào thai mà không có ở người trưởng thành. Các protein này được coi là những kháng nguyên, những chất “chỉ điểm” ung thư ví dụ như CEA (carcinoembryonic antigen), AFP (alpha-fetoprotein)… Sự tương tác giữa các yếu tố này với quá trình chuyển hóa trong cơ thể góp phần gây nên hội chứng CUT. Trong một số trường hợp, hội chứng CUT không tìm được một cơ chế bệnh sinh cụ thể nào.

Hội chứng cận ung thư biểu hiện ở các cơ quan nào?
 
Hội chứng CUT biểu hiện ở rất nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng tùy từng loại ung thư mà có ảnh hưởng lên những cơ quan riêng biệt. Người ta chia ra làm hai loại: hội chứng thần kinh cận ung thư và hội chứng cận ung thư ở các cơ quan khác. Hội chứng thần kinh CUT là các thương tổn thần kinh cơ ở bệnh nhân có ung thư một cơ quan nào đó. Điển hình như ung thư phổi tế bào nhỏ gây nên hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton.
 
Đây là một loại thương tổn do các kháng thể kháng kênh điện thế của canxi tại khúc nối dẫn truyển thần kinh-cơ dẫn đến yếu cơ, liệt cơ. Các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng có thể gây các tổn thương kiểu thoái hóa ở tiểu não. Bệnh nhân thường có biểu hiện sớm với các dấu hiệu như chóng mặt, nhìn đôi, yếu hai chi dưới. Ngoài ra, ung thư phổi, buồng trứng…cũng có thể gây hội chứng cận ung thư kiểu viêm não tủy, viêm não hệ limbic, viêm đa cơ….
 
Hội chứng CUT biểu hiện ngoài thần kinh được chia làm các nhóm chính như bệnh lý nội tiết, huyết học, da và niêm mạc và một số bệnh lý khác. Hội chứng CUT nội tiết gồm nhiều loại như hội chứng Cushing, hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp (SIADH), tăng canxi máu, hạ đường máu, hội chứng carcinoid, bệnh tăng hồng cầu.
 
Nhóm bệnh lý này có nguyên nhân từ ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư tụy, ung thư máu.... Hội chứng cận ung thư biểu hiện ở máu thường là tăng bạch cầu hạt, đa hồng cầu, thiếu máu, viêm nội tâm mạc huyết khối không do nhiễm khuẩn, dấu hiệu Trousseau.
 
Nhóm này thường do ung thư phế quản, ung thư tụy gây nên theo cơ chế tăng đông hoặc miễn dịch. Nhóm hội chứng CUT biểu hiện ở da và niêm mạc tương đối phong phú đa dạng với hàng loạt các mặt bệnh lý như viêm đa cơ; hồng ban hoại tử di chuyển; hội chứng Sweet (các tổn thương ngoài da kèm sốt)…. Một số hội chứng CUT không được xếp vào ba nhóm trên bao gồm viêm cầu thận màng, loãng xương do ung thư và hội chứng Stauffer (biểu hiện suy gan có nguyên nhân từ ung thư thận).
 
 Vị trí giải phẫu các cơ trên cơ thể người

Điều trị hội chứng cận ung thư

Vấn đề quan trọng nhất trong việc xử trí hội chứng CUT là điều trị ung thư gây ra hội chứng đó. Các biện pháp cụ thể như phẫu thuật, xạ trị, điều trị hóa chất… sẽ được xem xét đối với từng loại ung thư cụ thể và do các thầy thuốc chuyên khoa ung bướu quyết định.

Điều trị phối hợp các triệu chứng của hội chứng CUT tùy thuộc loại biểu hiện như nếu có nhược cơ, liệt cơ (hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton) bằng thay huyết tương, gama-globulin truyền tĩnh mạch, cho các thuốc chống loạn thần, giảm đau, hạ canxi máu, truyền máu…          

AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]