Hội chứng “đang nghiên cứu”

Đã từ lâu, trong quản lý kinh tế- xã hội ở nước ta, cụm từ “đang nghiên cứu” đã xuất hiện ở khá nhiều lĩnh vực, đến nay hình như đã trở thành hội chứng “đang nghiên cứu”.

15.6

CôngThương - Khi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra một cách nghiêm trọng dẫn đến không ít vụ ngộ độc, nhiều người tử vong, dư luận đặt ra câu hỏi: Đến bao giờ khắc phục được tình trạng này? Cơ quan chức năng tiếp thu và báo cáo rằng, “chúng tôi... đang nghiên cứu”!

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện ngày càng nặng nề; y đức của một bộ phận (cũng ngày càng nhiều) đã xuống cấp đến mức báo động. Làm gì để khắc phục tình trạng đó? Các cơ quan quản lý khẳng định: Đã và đang nghiên cứu!

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh xảy ra như cơm bữa trong hàng chục năm nay. Thế nhưng, giải pháp nào khắc phục hiệu quả? Các cơ quan có liên quan lại khẳng định, đó là vấn đề rất phức tạp không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Vấn đề đã được đặt ra và... đang nghiên cứu!

Một bộ phận công chức, viên chức tham nhũng, sách nhiễu đối với công dân và các doanh nghiệp khi thi hành công vụ là một sự thật không thể chối cãi, đã trở thành căn bệnh nan y, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong quản lý kinh tế- xã hội... Song, những biện pháp nào ngăn chặn “đại họa” này? Đó cũng là vấn đề... đang nghiên cứu!

Còn có thể liệt kê rất nhiều vấn đề bức xúc của xã hội nhưng đã từ lâu vẫn đang được... nghiên cứu. Vì vậy, hội chứng “đang nghiên cứu” đã tự nhiên hình thành. Đó là một hội chứng rất tai hại. Với lý do “đang nghiên cứu”, người có trách nhiệm vẫn tỏ ra là có trách nhiệm với công việc được giao. Song, điều không ai biết là họ đang nghiên cứu những gì và khi nào thì có kết quả? Vì vậy, cũng không ai giám sát được việc nghiên cứu ấy!

Không thể không đặt câu hỏi: Vì sao những vấn đề thuộc diện đang nghiên cứu ngày càng nhiều hơn và thời gian cho việc nghiên cứu gần như là... vô hạn? Phải chăng, đó chính là “cái phao” để né tránh trách nhiệm và thời gian nghiên cứu cứ kéo dài tùy ý chứng tỏ năng lực yếu kém trong quản lý? Hơn nữa, tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “hứa trước, quên sau” cũng là nguyên nhân để có quá nhiều vấn đề nghiên cứu đến... hàng chục năm. Chẳng hạn, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã là sự kiện làm nóng diễn đàn Quốc hội đến bốn, năm nhiệm kỳ rồi. Điều đó có nghĩa là sự khắc phục tình trạng đó ở trong tình trạng... đang nghiên cứu tới 15 năm nay. Song, chưa thấy có giải pháp nào được đưa ra.

Đã đến lúc phải tuyên chiến với hội chứng “đang nghiên cứu”. Rất mong các vị đại biểu Quốc hội, với chức năng giám sát tối cao, cần kiên quyết ngăn chặn hội chứng “đang nghiên cứu”- một căn bệnh dẫn đến sự trì trệ trong quản lý kinh tế- xã hội của đất nước.

Với lý do “đang nghiên cứu”, người có trách nhiệm vẫn tỏ ra là có trách nhiệm với công việc được giao. Song, điều không ai biết là họ đang nghiên cứu những gì và khi nào thì có kết quả? Vì vậy, cũng không ai giám sát được việc nghiên cứu ấy!

Hải Yến

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]