Hội chứng ruột kích thích:Chứng bệnh khó chịu & khó trị

SKĐS - Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm sút sức lao động của người bệnh một cách đáng kể.

15.6033

Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome - HCRKT) là một bệnh hay gặp ở nước ta, chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người tuổi cao.

Đặc điểm của hội chứng ruột kích thích

HCRKT là sự rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Tuy vậy, những rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà chưa tìm thấy các tổn thương bệnh lý ở ruột. Đặc điểm của HCRKT là ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống do bệnh kéo dài làm người bệnh luôn lo lắng căng thẳng, mất ngủ, lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột, đồng thời rối loạn tiêu hóa làm giảm hấp thu của ruột. HCRKT còn được gọi là bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt hoặc viêm đại tràng mạn tính.

Trên thế giới, HCRKT là một trong những bệnh tiêu hóa khá phổ biến, tại Mỹ có tới 25% dân số mắc bệnh này, tại Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh vào khoảng 5 - 20%. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn 2 - 3 lần so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45, bệnh trở thành mạn tính kéo dài đến khi tuổi cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Tuy tỉ lệ mắc bệnh HCRKT khá cao như vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân một cách chắc chắn của bệnh, nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới rối loạn vận động của ruột, biểu hiện là đi ngoài phân lỏng (tăng nhu động ruột) hoặc rắn (giảm nhu động ruột) hoặc sền sệt, kèm theo đau bụng quặn, tùy từng lúc. Bệnh biểu hiện rối loạn trên toàn bộ ống tiêu hóa nhưng triệu chứng của bệnh thể hiện ở dạ dày và chủ yếu là ở đại tràng. Các biểu hiện này liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương và hệ thần kinh ruột (thần kinh thực vật). Các yếu tố của thần kinh trung ương biểu hiện như: sang chấn tâm lý (stress) hoặc do tác động của một số yếu tố ngoại lai như: vi sinh vật, vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt, môi trường sống ô nhiễm…

Nên vận động cơ thể hàng ngày như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cầu lông.

Triệu chứng

Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, trong đó thường thấy đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng.

Mặc dù vậy, triệu chứng quan trọng của HCRKT là tình trạng đau bụng quặn, thường di chuyển, lúc đau chỗ này, lúc đau chỗ khác. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, ấm ách khó chịu, đầy hơi, trướng bụng tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn. Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài từ 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo. Các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơi, khó chịu hay xảy ra vào buổi sáng, nhất là sau khi ăn sáng, người bệnh có cảm giác muốn đi đại tiện.

Một đặc điểm nổi bật là sau khi đi đại tiện xong, cảm giác khó chịu, đau quặn bụng sẽ hết ngay. Vì lý do này mà nhiều người rất ngại ăn sáng, nhất là mỗi lúc trên đường đi xa. Ngoài triệu chứng đau quặn bụng, một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt, có thể lẫn với chất nhầy, nhưng quan trọng hơn cả là phân không bao giờ có máu. Một số trường hợp đi đại tiện vài lần trong ngày, mỗi lần đi đại tiện không hết phân và vừa đi đại tiện xong lại buồn đi tiếp. Tuy vậy, có một số lại bị táo bón thường xuyên có khi một tuần mới đi đại tiện một lần, phân rắn, phải rặn mới đi đại tiện được thậm chí phải thụt tháo. Trong khi đó, có một số trường hợp thỉnh thoảng lại bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón. Ngoài triệu chứng về tiêu hóa, một số bệnh nhân cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ, hồi hộp, đau tức ngực, cảm giác khó thở và thường hay lo lắng về bệnh tật của mình. Kèm theo đau quặn bụng là trướng bụng. Trướng bụng là triệu chứng thường gặp. Đặc điểm của trướng bụng trong HCRKT là sau ngủ dậy, không thấy hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Ngoài ra có thể có các triệu chứng như buồn nôn, cảm giác vướng ở họng.

 

Nguyên tắc điều trị và dinh dưỡng

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào dành cho HCRKT, hầu hết dùng thuốc điều trị triệu chứng. Tuy vậy, điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sau một đợt điều trị các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất đi một thời gian nhưng rất dễ tái phát. Với HCRKT, được khuyến cáo là không nên dùng kháng sinh để điều trị trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn đường ruột, người bệnh nên yên tâm chữa trị, lạc quan, không nên quá lo lắng vì hầu hết bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với mọi người bệnh, nhất là người cao niên, để nâng cao chất lượng sống cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, trường hợp bị táo bón thường xuyên, cần uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi. HCRKT cần tránh dùng các thức ăn chua, cay hoặc không dùng các loại có tính kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào. Người cao niên càng phải cần lạc quan, không lo lắng thái quá.

Nên vận động cơ thể hàng ngày: tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cầu lông tùy theo sức và điều kiện của mình. Không nên kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng.

TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]