Hơn 5 triệu người Việt mắc bệnh tan máu bẩm sinh

Hơn 5 triệu người Việt mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thứ Năm, ngày 08/05/2014 18:27 PM (GMT+7) Bệnh tan máu bẩm sinh thường để lại di chứng như còi cọc, xương dễ gãy, méo mó, mũi tẹt, chân, tay khèo…

15.593

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, trên thế giới có khoảng 7% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Căn bệnh này phổ biến, mang tính toàn cầu, nhiều nước, nhiều dân tộc mắc bệnh.

Nước ta được coi là khu vực có nguy cơ cao với khoảng hơn 5,3 triệu người mang gen bệnh này, trong đó thường xuyên có khoảng hơn 20.000 bệnh nhân nặng cần điều trị nội trú tại các bệnh viện. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh.

Cũng theo GS Trí, gen bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta thường gặp nhiều nhất ở các dân tộc miền núi. Tại Hà Nội, có khoảng 3-4% người mang gen bệnh.

GS Trí ví, bệnh tan máu bẩm sinh như quả bom nguyên tử đã phát nổ, nhưng rất tiếc chúng ta không nghe được tiếng nổ đó. Và hiện, bệnh này đang len lỏi khắp các dân tộc trên đất nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi của cả một dân tộc.

Một trường hợp mắc u tan máu bẩm sinh

Những dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh tan máu bẩm sinh đó là thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt; da vàng, sau đó đen dần và thâm; gan to lên; cơ thể bắt đầu méo mó; chân, tay khèo…

Theo BS.Vũ Hải Toàn, Khoa Thalassemia, Viện Huyết học và Truyền máu TW, bệnh tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền qua gen làm hồng cầu vỡ. Người bệnh liên tục bị thiếu máu, do đó, cả đời phải truyền máu vì hồng cầu chỉ sống được một thời gian ngắn.

Khi hồng cầu vỡ tạo ra ứ sắt và tích tụ ở toàn bộ cơ thể. Từ đó làm tổn thương đến các bộ phận khác của cơ thể bị như: thận, tuyến giáp, các tuyến nội tiết, bộ xương…khiến bệnh nhân còi cọc, xương dễ gãy, méo mó, mũi  tẹt, mặt to, chân, tay bị khèo… Nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ bị suy tim, suy gan, chậm phát triển về thể chất, không có khả năng sinh con…

Theo các chuyên gia y tế, không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tan máu bẩm sinh vì đây là một bệnh mang gen di truyền. Khi bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời.

Để hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới, ngày 8/5, Viện Huyết học–Truyền máu Trung ương và Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam đã phối hợp với tổ chức chương trình mittinh.

Đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới bệnh nhân tan máu bẩm sinh, đồng thời góp phần cung cấp kiến thức, thông tin về bệnh này, từng bước góp phần giảm thiểu tỷ lệ dân số mang gen bệnh trong cộng đồng, góp phần xây dựng mục tiêu chất lượng dân số quốc gia. 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]