Lạ là em sinh ra trên đất Mỹ. Em mới chỉ về thăm quê có một lần, năm 1997. Năm em 14 tuổi thì mẹ mất. Lạ là từ nhỏ, em đã chịu thiệt thòi vì khiếm thị. Lạ là em đoạt giải nấu ăn món Việt Nam.

Hỏi: Em thi món gì và đã đoạt giải nhất?

Đáp: Em thi món thịt ba chỉ kho.

Hỏi: Vì sao lại là món ấy chứ không phải là món khác?

Đáp: Món ăn Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Thế giới mới chỉ biết đến phở, nem, bánh cuốn... Chứ chưa biết đến thịt kho, cá kho, riêu cua... của Việt Nam. Thịt ba chỉ kho là món mẹ em vẫn thường nấu cho em ăn. Khi nấu món này, em nhớ tới mẹ em và em có cảm giác đang nấu cho mẹ em ăn.

Trong món ăn Hà nấu có tình yêu mẹ. Một tình yêu thẩm thấu qua không gian, thời gian, truyền lưu trong huyết mạch con người. Trong món ăn Việt Nam có tình yêu quê hương đất nước bền bỉ, bất chấp xa cách, hoàn cảnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, nhà ở ngõ 19 phố Tràng Tiền, Hà Nội, 13 tuổi đã sang Pháp. Ông nhớ: khi tôi đi, Hà Nội mới chỉ kem que. Biền biệt xa quê hương nửa thế kỷ, hỏi, ông thích món ăn gì? Ông đáp: tôi thích: vịt sốt cam, sườn cừu nướng, vang Bordeaux, nhưng rất nhớ rau dền, rau cần, rau thơm, nhất là rau mồng tơi mà Paris rất hiếm, cùng là bánh cuốn, phở chín gầu, chá cá lãng... Ôi món ăn Việt Nam, sản vật, linh hồn của xứ sở quấn quýt trong từng tế bào con tì con vị của ta!

Món thịt ba chỉ kho. Ảnh minh họa.

Cô giáo Nguyên Thị Như Huy, giảng dạy văn hóa ẩm thực ở Huế, sang Pháp dự cuộc thi ẩm thực châu Âu, vượt qua 670 thí sinh, giành huy chương, trở thành thành viên danh dự của Hàn lâm Ẩm thực Pháp. Cô giáo nói: “Đó là do từ nhỏ tôi đã xuống bếp nấu ăn cùng mẹ”. Cô bảo, hồn Huế, hồn Việt ẩn trong món ăn hàng ngày, quấn quýt trong tâm hồn người Việt Nam ta.

Ông Richard Sterling, nhà văn Mỹ chuyên viết về ẩm thực và du lịch, đã qua 100 nước và viết không biết cơ man nào trang sách về các của ngon vật lạ trên hành tinh., Đến Việt Nam, ông mê ngay ẩm thực Việt Nam.
Ẩm thực Việt Nam đứng hàng đầu thế giới! Ông tuyên bố, ông bảo: món ăn Việt Nam tiếp thu cái tinh hoa của ẩm thực Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Ý... nhưng chọn lọc, biến hóa thành của riêng độc đáo, mang tâm hồn Việt. Tất nhiên có món ăn ông không ưa. Đậu phụ là một món vô duyên, nó chẳng có màu sắc gì. Ông nói. Nhưng cắn một miếng đùi gà rán tẩm bột, ông lim dim mắt rồi vừa nhai vừa xuýt xoa, trời ạ, cái gì mà tẩm ướp vừa miệng mà ngon đến mức trên cả tuyệt vời thế này! Ông nói, món ăn Việt Nam nhận ngon bằng cả khứu giác.
Đi dọc miền Trung, rồi lên Đà Lạt trở về Hà Nội, ông nhận xét: bờ biển, cao nguyên, ẩm thực là 3 thế mạnh của du lịch Việt Nam. Rồi ra câu nói cửa miệng của du khách trên hành tinh này sẽ là: “Đi Ai Cập để xem Kim tự tháp, đi Việt Nam để ăn các món ngon. Hãy tin tôi đi!”.
Nói riêng về món phở, ông Richard nói: “Hiển nhiên là phở phải vào từ điển thế giới cùng với Hamburger”. Chà phở! Thì văn sĩ Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đã chẳng dùng hết cái tài nhả ngọc phun châu để ca tụng món phở rồi đấy sao! Đã gọi món phở là cõi đứng cao hơn hết mọi sự. Ăn bát phở ngon như đọc áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất khiến ta trầm mặc, nghĩ suy. Phở không còn là một món ăn, một thích thú khứu giác vị giác. Mà là một sự... phở, một đạo phở như đạo trà, hay nói đúng hơn là một vấn đề. Vấn đề phở!

Việt Nam gói gọn trong một tô, đó là phở”. Ảnh minh họa.
Như vậy, còn gì mà nói về phở nữa? Vậy mà không. Ông Richard Sterling chuyên gia ẩm thực Mỹ trong chuyến du lịch Việt Nam vừa rồi vẫn làm ta ngạc nhiên: “Việt Nam gói gọn trong một tô, đó là phở”. Trời, đó là một định nghĩa thần tình nữa về phở của ông.

Phở! Món ăn Việt, tưởng thế là đã đi đến tận cùng của sự khám phá. Vậy mà đâu có phải. Vừa rồi một quan chức trong một tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam, người Uruguay, có viết một cuốn sách nhan đề là Ha Noi, une promenade (Hà Nội, một cuộc rong chơi). Ông cho biết, cuốn sách ca ngợi Hà Nội của ông có kết cấu là 24 chương, ứng với 24 nguyên liệu làm nên bát phở! Chà! 24 thứ nguyên liệu, những là sá sùng, đại hồi, thảo quả, gừng nướng, hành hoa, mắm muối, tiêu ớt, thịt bò... và những gỉ gì gi nữa đây?

Thế đấy. Phở món quà Việt đang còn là một đối tượng để cả thế giới phải chú tâm khám phá. Phở Việt đã ra thế giới. Đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới rồi. Người Việt Nam nào xa xứ cũng nhớ món ăn quê hương mình. Đó là nhận xét của nhiều người nước ngoài. Đó là trải nghiệm của bất cứ ai đã một lần xa quê.
Lại nhớ đến năm 1990 lần đầu tiên xuất ngoại sang Nhật một tháng trời. Một tháng trời ăn đủ các của ngon vật lạ, lúc theo kiểu Triều Tiên, khi theo thực đơn Nhật Bản. Vậy mà chiều đó về đến Sài Gòn, ra ngõ gọi một đĩa cơm Việt Nam. Chao ôi, chỉ là rau muống luộc chấm nước tương, với nước rau luộc sấu dầm với quả cà pháo, vài con tôm rang đỏ hồng rắc tiêu sọ mà đánh thẳng căng đầy một bụng. Ăn xong bê bụng không đứng lên nổi, mới nhận ra rằng, ông cha ta thật là chí lí khi nói: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Chẳng có cao lương mỹ vị gì sánh nổi món cơm quê nhà! Món ăn Việt Nam, bản sắc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, tình yêu Việt Nam!
Tình yêu Việt Nam, một tình yêu truyền lưu bền bỉ trong huyết mạch con dân nước Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Một tình yêu làm nên đất nước này. Nên mới có hiện tượng Christine Hà khiếm thị, gốc Việt, sinh ra trên đất Mỹ, mới chỉ biết đến quê hương một lần về thăm rồi lại ra đi mà nấu món thịt ba chỉ Việt Nam đến cả nước Mỹ phải chịu là ngon!
Tùy bút của MA VĂN KHÁNG
(Sức khỏe & Đời sống)