'Hòn đá lạ' năng lượng thấp, có tác động xấu

Các chuyên gia phong thủy kết luận, đá lạ đền Hùng năng lượng thấp, trường khí âm nên có tác động xấu, bùa chú cũng chỉ là trận đồ hỗn mang.

15.593

>>
>>

Sau khi du khách hành hương phát hiện ra "hòn đá lạ" được đặt tại đền đền Hùng, những người có liên quan đã lý giải về hòn đá cũng như bùa chú nhưng vẫn tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều. Để luận giải thuyết phục hơn, một Phòng nghiên cứu phong thủy, kiến trúc tại Hà Nội đã tiến hành khảo sát đầy đủ về các yếu tố: đá quý, bùa chú, trường khí, phong thủy, tâm linh, văn hóa, lịch sử, khoa học.

Các nhà nghiên cứu đã đo nhiều lần, nhiều mặt để lấy thông số chính xác từng điểm trên hòn đá.

Qua kiểm tra, "đá lạ" là đá bán quý (người trong nghề gọi là đá silicat, độ cứng 7), có khá nhiều ở Việt Nam. Như vậy, người cung tiến đá đã mang đến hòn đá thực sự có giá trị nhất định.

Những người nghiên cứu cho hay, phù chú là phương thức giao tiếp với thế giới tâm linh, có yêu cầu chặt chẽ về hình thức trình bày, từ phần đầu (gửi cho ai), nội dung (cần cầu xin điều gì), đến phần cuối (người xin), cũng như dấu ấn (chứng thực). Việc sáng tạo cách trình bày phù chú, cũng phải trên cơ sở giữ nguyên khuôn mẫu chung, khi đi ra ngoài nguyên tắc, phù chú sẽ không hợp lệ và không có tác dụng.

Theo giải thích của ông Nguyễn Minh Thông, tác giả tạo ra hòn đá thì "Mặt sau của viên đá, phía trên là Ấn của Vua Hùng, dưới có chạm lá bùa giải bách họa cho nhân dân". Thực tế, hình vẽ mặt sau cơ bản giống lá "bách giải tiêu tai phù" của Trương Thiên Sư - được cho là truyền nhân của Thái thượng Lão quân. Do đó, lá phù này thường dùng kèm Ấn của Trương Thiên Sư hoặc Thái thượng Lão quân, nhiều nơi dùng hình ảnh ngài Trương Thiên Sư thay Ấn. Vì vậy, dùng ấn của Vua Hùng sẽ không ăn khớp.

Hình vẽ mặt sau: giống lá "bách giải tiêu tai phù" của Trương Thiên Sư.

Mặt khác, ấn thường đóng bên dưới phù chú, chứ không phải ấn treo bên trên. Các chữ Phạn bên trái viết thêm cũng không có tác dụng rõ ràng, chỉ phản tác dụng. "Chính các yếu tố lủng củng giữa 'nội dung - ấn - chữ Phạn bên cạnh' này là một phần tạo nên âm khí của lá bùa - gây ra tác dụng ngược lại", những người nghiên cứu nói.

Ông Nguyễn Minh Thông cũng giải thích, mặt trước của hòn đá được chạm trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai dựa trên trận đồ bát quái trong Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của Từ điển thuật ngữ quân sự. Gọi là Thiên tinh vì ghép tượng hình chòm sao Bắc Đẩu và trận đồ của Đức Thánh Trần ứng dụng khi đánh quân Nguyên Mông. Trên mặt của Trận đồ còn có câu mật chú thiền phái Mật Tông làm tăng hào quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân".

Nhưng theo các nhà nghiên cứu phong thủy, cách giải thích trên gây khó hiểu. Trước hết là "sao bắc đẩu" trên đá đã được cách điệu (nơi tô màu vàng trong hình). Nó được tính cả 2 chòm sao phụ là Cửu tinh, đoạn đầu 5 sao được nối với hình tam giác, sau đó là cái đuôi 4 sao. Đây không đúng hình gốc nên có thể gọi là "bắc đẩu biến tướng đồ".

Thứ hai là "trận đồ" (nơi tô khung màu đỏ bên dưới), nếu cho đây là trận đồ của Đức Thánh Trần thì có phần hơi coi thường bậc tiền nhân vì đó chỉ giống như là trận đồ giả tưởng ăn theo Hà đồ Lạc thư (trong hình bên phải), chưa kể Binh thư yếu lược nhà Trần đã thất truyền, không có minh chứng cụ thể.

Hình vẽ mặt trước: giống trận đồ hỗn mang, hơn là trận đồ bát quái.

"Tách bạch ra như vậy thì khi nhìn nhận lại giải thích của tác giả Nguyễn Minh Thông sẽ dễ hiểu đây là một trận đồ hỗn độn, hỗn mang, hay bức nháp của người tập vẽ bùa chú. Những hình vẽ không ăn khớp với nhau, không tạo nên một nghĩa lý thực sự có giá trị, cũng giống như mặt sau, là một phần tiếp tục tăng thêm âm khí (trường khí âm) cho hòn đá", nhóm nghiên cứu kết luận.

Thông thường, trường khí dương từ đất hay đá ở trong khoảng 200-890Khz sẽ thích hợp cho con người, dưới 200Khz thường có âm khí, thích hợp đặt mồ mả. Với "hòn đá lạ", máy đo năng lượng cảm ứng phát hiện trường khí âm từ khoảng cách 2~3m, càng đến gần trường khí âm càng mạnh. Với máy đo điện từ trường, trường khí ở sân ngoài Đền Thượng là 529 Khz, vào đến bên trong gần cửa phụ bên trái (cách hòn đá khoảng 3m), trường khí ở trong khoảng 350~400 Khz, càng đến gần trường khí càng hạ thấp, lên đến đỉnh giữa hòn đá còn 180 Khz.

"Chúng tôi đo 3 lần nhưng trường khí của viên đá đều rất thấp, trùng khớp với nhận định âm khí của máy đo cảm ứng mặc dù thời điểm đo là 10h30-11h trưa, lúc dương khí lên cao", nhà nghiên cứu phong thủy cho biết.

Những người này kết luận, hòn đá có trường khí thì cũng có tác dụng nhất định, nhưng năng lượng trường khí âm lại dưới 200Khz sẽ chỉ mang đến mặt xấu, điều không may, chứ không thể mang đến may mắn hay điềm lành, dù cho cá nhân hay quốc gia dân tộc. Muốn là đá tốt, thì cần có trường khí dương, đồng thời năng lượng tối thiểu cao hơn vùng đất đặt xuống, tức phải cao trên 400Khz, khi đó đặt trên đền Thượng mới thực sự phát huy tác dụng tốt.

Hòn đá chứa âm khí, lại có năng lượng thấp thì ảnh hưởng đầu tiên chính là thập phương du khách, và sau đó là ban quản lý nhà Đền. Xét đến yếu tố phong thủy, hòn đá đặt bên trái đứng từ ngoài nhìn vào, và bên phải từ trong nhìn ra, ở vị trí Bạch Hổ, sẽ tác động xấu đến người phụ nữ. Xét đến yếu tố tâm linh, nơi hội tụ trường khí âm, là nơi dễ có vong vãng lai, hay còn gọi là vãng vong cư ngụ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến những người đứng gần viên đá, nhất là chạm hay xoa tay vào. Nếu nói là có ảnh hưởng tốt thì chỉ có thể là tự huyễn hoặc mình.

Từ những khảo sát tỉ mỉ nói trên, các nhà nghiên cứu phong thủy kết luận, hòn đá có năng lượng ở mức độ thấp (180Khz), trường khí âm (âm khí). Nó có tác dụng nhất định, nhưng là "phản tác dụng", tức là chỉ có tác động xấu xét trên yếu tố thẩm mỹ hay tâm linh. "Ngoài cách bỏ viên đá đi, một phương án hài hòa nhất mà chúng tôi kiến nghị là thay "hòn đá lạ" bằng hòn đá khác không có chạm trổ, hoặc mài bóng hòn đá nói trên, kiểm tra lại năng lượng, rồi trả về vị trí cũ. Như vậy người có tâm cung tiến đá quý vẫn được 'dâng ngọc", nhóm khảo sát đề xuất.

Hoàng Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]