“Hồn” di sản trong nghệ thuật đương đại

Nghệ thuật đương đại phải bắt rễ từ di sản văn hóa Việt Nam, còn nếu không sẽ trở thành “cái đuôi” của văn hóa nước ngoài, Giáo sư Trần Lâm Biền cảnh báo.

15.6028

Kết hợp âm nhạc hiện đại với di sản dân tộc

Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân luôn mang theo mình chiếc máy tính, trong đó có những tác phẩm đương đại kết hợp di sản nhạc dân tộc. Một trong những khúc nhạc ông Tân thường giới thiệu với bạn bè là tác phẩm đàn tranh “kiểu mới” của nghệ sĩ Thanh Thủy. Những âm thanh từ cây đàn tranh, song lại được kéo bằng vĩ của đàn nhị, sau đó qua xử lý điện tử cất lên. Chúng khó nghe hơn rất nhiều so với nhạc Tây hay cổ truyền thuần túy. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những âm thanh này khá quyến rũ. “Tác phẩm phản ánh rõ sự hỗn tạp của thế giới âm thanh”, ông Tân cho biết.

 
Dự án nghệ thuật đương đại kết hợp piano với nhạc dân tộc của Phó An My - Ảnh: Ngữ Thiên

Sự khó nghe của khúc nhạc đó cũng là e dè có lý của nhiều người trước điểm giao của đương đại và di sản truyền thống. Thoạt tiên là băn khoăn, sau đó cũng có công chúng dè chừng sự phá cách từ các tác phẩm kết hợp đó. Nhưng cũng tại điểm giao ấy những tác phẩm hiện đại nhuần nhuyễn bước ra từ truyền thống sẽ giữ giá trị rất lâu. “Tới đây, chúng tôi sẽ mang bức tranh Gióng của Nguyễn Sáng sang Anh để giới thiệu. Đây là tác phẩm sơn ta cộng với mô típ truyền thống tạo nên sự hiện đại”, ông Phạm Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật, cho biết.

Hiện đại vẫn có thể trở thành di sản

Nghệ thuật đương đại cũng có những điểm giao rất hình thức với truyền thống. Những họa tiết cổ được lẩy ra rồi dán lên tác phẩm. Có những sáng tác mang dáng dấp sắc phong. Sử dụng chữ Hán ken vào tác phẩm được nhiều nghệ sĩ áp dụng. Nhưng nói tới cùng, không hẳn tác phẩm đó đã là nghệ thuật đương đại mang tâm hồn di sản. “Chúng ta không được bắt chước hình thức mà phải tiếp nối cái tinh thần của di sản đó”, Giáo sư Trần Lâm Biền nói.

Mà tinh thần di sản, theo Giáo sư Trần Lâm Biền, không dễ đến. Người nghệ sĩ phải nghiên cứu, học hỏi để có thể nắm bắt được ẩn dụ văn hóa, bài học trao truyền qua từng nét khắc, mảng chạm. Đằng sau những điệu múa cổ được chạm khắc là cả quan điểm về vẻ đẹp cân đối, sự phóng khoáng của người xưa. Bước vào chùa, ta có thể nghe được cả tiếng mây, tiếng gió qua những bức chạm. Cũng theo ông Biền, phải xây dựng những hình tượng nghệ thuật trên chính cái nền di sản dân tộc đó, chúng ta mới có thể có nghệ thuật của riêng mình. “Chứ nếu chỉ học theo Tây không thì hóa ra nghệ thuật Việt Nam đương đại là cái đuôi của văn hóa nước ngoài à?”, ông nói.

Về định kiến “di sản và hiện đại khó có điểm chung”, PGS-TS Trương Quốc Bình cho rằng phải quan niệm về di sản rất mở. Do đó, có thể áp dụng những thành tố của di sản cho tác phẩm đương đại mà vẫn rất hiện đại. Cũng như có những tác phẩm hiện đại rồi sẽ trở thành di sản. “Nhà hát Con Sò tại Úc là như thế. Nó rất hiện đại, giờ đã trở thành di sản văn hóa thế giới”, ông Bình nói.

Nguyên lý chung về việc kết nối di sản vào nghệ thuật đương đại là vậy, song trong thực tế sự kết nối này hiện còn khá chậm chạp và ít hậu thuẫn. Theo giảng viên trẻ Lê Trần Hậu Anh, mãi tới năm 2008, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội mới có môn video art - một hình thức nghệ thuật không còn mới ở nước ngoài. Nhiều tác phẩm video art được trình chiếu cũng chưa thực sự đột phá tuy có sử dụng chất liệu dân tộc như rối bóng. Đặc biệt, về kỹ thuật, nghệ thuật đương đại vẫn đang chậm hơn rất nhiều.

“Ở nước ngoài các quỹ văn hóa và nhà nước là những bảo trợ lớn nhất cho nghệ thuật đương đại kết nối di sản”, nghệ sĩ Vũ Nhật Tân nói. Tuy nhiên, hiện cả hai nguồn tài trợ này tại Việt Nam lại rất mỏng. Cũng theo ông Tân, nghệ sĩ còn khó khăn hơn khi phải tiếp cận và tự thương lượng với các nghệ nhân - phần nhiều đang già và mất dần.

Các tác phẩm đương đại dù đã kết nối với di sản, cũng ít được các bảo tàng đặt mua. “Bảo tàng Mỹ thuật chỉ mua những tranh đáp ứng được các tiêu chí riêng, chẳng hạn độ bền, chất liệu. Trong khi đó, các tác phẩm sắp đặt lại ít có điều đó. Tôi rất chia sẻ với các nghệ sĩ đương đại về việc họ ít được bảo tàng mua tác phẩm”, ông Phạm Tiến nói thêm.

Mới mô phỏng di sản

“Nói nghệ sĩ Việt Nam ngày nay không quan tâm đến di sản cũng không đúng. Nhưng đa phần các tác phẩm đó mới chỉ dừng lại ở sự mô phỏng, giới thiệu văn hóa, chứ chưa nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại”.

Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền

Đọc tín hiệu di sản và ký ức

“Khả năng đọc các tín hiệu di sản là tối quan trọng. Tác phẩm có trở nên sâu sắc, khơi gợi được nhiều cách đọc cho độc giả hay không phụ thuộc vào điều này. Chẳng hạn, chùm tác phẩm của Danh Võ, nghệ sĩ Việt Nam ở tầm quốc tế, được nhiều bảo tàng nghệ thuật đương đại thế giới mua. Tác phẩm của anh đậm chất ý niệm. Chúng thường đề cập đến ký ức và những di sản vô hình về tinh thần”.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Vấn đề xã hội đương đại qua chủ đề di sản

“Cách tiếp cận của nghệ sĩ với một chủ đề mới là đáng bàn. Nghệ sĩ hoàn toàn có thể đưa các vấn đề xã hội đương đại qua chủ đề di sản”.

Nhà nghiên cứu Bùi Thị Thanh Mai

Trinh Nguyễn







0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]