Hôn thụy - Chứng bệnh kỳ lạ

Chẳng có gì lạ nếu người ta nhầm tưởng rằng đó là những trường hợp chết đi sống lại đầy bí ẩn. Nhưng lại rất kỳ lạ bởi không ai có thể hình dung được, một người ngủ say li bì, triền miên hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, không cần ăn uống gì mà vẫn cứ... sống.

15.6135

Còn sống hay đã chết?

 Ở người có chứng hôn thụy, quá trình trao đổi chất trong cơ thể chậm lại.
Ở tỉnh Ulianopxcơ, Nga, không ai là không biết đến tên cụ bà Praxcovia Alechxeepna 78 tuổi bởi trong nhiều năm nay cụ đã mắc một chứng bệnh rất kỳ lạ có tên là narcolepsy, tức chứng ngủ rũ, hay còn gọi là hôn thụy - một hội chứng tuy không thường gặp nhưng cũng không phải là hiếm.

Từ nhỏ đến nay bà đã có ít nhất 30 lần rơi vào trạng thái ngủ dài. Lần đầu tiên là vào năm 1937, khi chồng bà bị đi tập trung cải tạo lao động. Lần đó bà bụng mang dạ chửa, thần kinh không chịu được sức ép tâm lý nặng nề, Praxcovia bỗng lăn ra ngủ suốt 10 ngày 10 đêm. Giấc ngủ sâu đến mức người ta tưởng bà đã chết. Chỉ có ông bác sĩ già trong làng dám khẳng định rằng bà đang... ngủ. Sau đó, những giấc ngủ say sưa kỳ lạ như thế cứ tiếp tục diễn ra một cách bất ngờ, lúc thì khi bà đang vắt sữa trong trại chăn nuôi của nông trường, khi đang đi trên đường phố, lúc trong cửa hàng bán thực phẩm...

Khi bác sĩ hỏi: Bà có cảm thấy gì trước lúc rơi vào trạng thái như vậy không? Praxcovia trả lời: Có, đau đầu, huyết áp như tăng lên. Có lần giấc ngủ của bà kéo dài suốt 4 tuần, lần lâu nhất là hơn 4 tháng. Một lần, suốt một tháng liền bà không chợp mắt đến một giây, tiếp đó là một giấc ngủ cũng kéo dài một tháng. Gần như đã thành quy luật, cứ sau những biến cố lớn gây nên sự căng thẳng trong cuộc sống thường nhật là hiện tượng này lại xuất hiện. Nhiều người không cho chứng ngủ say dài ngày của bà là một thứ bệnh. Họ cũng không thể hình dung, một người ngủ triền miên, không ăn không uống hàng tháng trời lại vẫn cứ... sống được.

Theo các nhà khoa học, khi xảy ra cơn ngủ rũ, trong cơ thể con người, quá trình trao đổi chất bị chậm lại, không phản ứng trước âm thanh, ánh sáng, bề mặt da lạnh đi. Sự hô hấp và mạch gần như không còn, huyết áp có thể hạ xuống 0. Chính vì vậy mà có không ít trường hợp bị tưởng nhầm là đã chết. Ở Kazakstan từng xảy ra trường hợp một cô bé 4 tuổi mắc chứng hôn thụy bị đem đi chôn. Sau khi mai táng, bố cô bé nằm mộng thấy có người bảo rằng cô chưa chết mà đã bị chôn sống. Ông liền trở lại nghĩa địa, lật ván áo quan lên để kiểm tra và sửng sốt nhận thấy xác con gái đã nằm sát vào một góc chứ không ở vị trí chính giữa như lúc hạ huyệt. Lớp vải liệm quấn quanh cô bé bị nhàu và đôi chỗ có vết cào xước. Ông vội vàng bế con về nhà. Hai tuần liền, gia đình tìm mọi cách để đánh thức cô bé nhưng vô hiệu. Khi biết tin, Bộ Y tế Liên Xô (trước đây) đã chuyển cô lên Matxcơva để nghiên cứu. Cô bé được đặt trong lồng kính suốt 16 năm cho đến ngày bừng tỉnh. Cơ thể của cô (vốn thay đổi rất ít trong thời gian hôn mê) bỗng lớn lên từng ngày để nhanh chóng trở thành cơ thể một phụ nữ trưởng thành.

Một thách thức của y học

Cho đến mãi gần đây, chứng hôn thụy vẫn được coi là một bí ẩn đối với khoa học. Những người mắc chứng này có thể ngủ hàng tháng trời, thậm chí vài chục năm. Trong thời gian đó, cơ thể họ hầu như không có sự thay đổi. Sau khi tỉnh giấc, quá trình trao đổi chất được tăng tốc khiến cho cơ thể lớn nhanh trông thấy, y như trong truyện cổ tích. Ở một số bệnh nhân, còn xuất hiện nhiều khả năng kỳ lạ mà trước khi hôn mê họ chưa hề có. Như trường hợp cô bé người Kazakstan, sau 16 năm tỉnh dậy, cô bỗng nói lưu loát tiếng Nga, thứ tiếng mà trước đó cô chưa từng biết một từ!

Giấc ngủ bệnh lý không bình thường này thường diễn ra sau một chấn thương tâm lý nặng nề, bệnh nhân đột nhiên chìm vào giấc ngủ say không có dấu hiệu báo trước. Một số bác sĩ coi đây là một dạng đặc biệt của sự tự bảo vệ của cơ thể, để cơ thể có thể trải qua giai đoạn nguy hiểm. Bởi đó có thể là hậu quả của một loại bệnh hữu cơ của não, làm chấn thương não nặng nề như bệnh viêm não dưới vỏ. Chứng bệnh cũng có thể thường gặp ở những người mắc bệnh tâm thần phân lập. Trong mọi trường hợp, chứng hôn thụy chỉ xảy ra với điều kiện là ở người đó, các tế bào thần kinh của não bộ bị suy yếu. Trong giấc ngủ dài rất sâu, toàn bộ tâm trạng của con người được duy trì trong trạng thái giống như trước khi bị bệnh. Người ta biết một trường hợp rất thú vị là một cô bé ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy lúc 18 tuổi đã hỏi về... con búp bê yêu quý của mình.

Trước kia, chứng hôn thụy đã gây ra ở những người được chứng kiến nỗi hoảng sợ đầy mê tín, nó đã trở thành một “nguồn dinh dưỡng” cho những điều huyễn hoặc. Khắp nơi đều lan truyền những câu chuyện khủng khiếp về những người bị chôn sống hay những người chết đi sống lại... Ngày nay, tất cả những sự việc như thế đã lui vào dĩ vãng. Cho dù giấc ngủ rũ có sâu đến thế nào đi nữa thì bao giờ bác sĩ cũng có thể xác định được chính xác rằng người đó không chết mà đang lâm vào một tình trạng đặc biệt: bề ngoài sự sống không còn, nhưng cái chết cũng chưa tới. Bởi những quá trình tối cần thiết cho sự sống vẫn không chấm dứt. Trái tim tiếp tục làm việc, nhưng ở một mức độ khó nắm bắt được: thay vì 70 - 80 lần đập trong một phút là 2 - 3 lần đập rất yếu. Với nhịp thở cũng thế - nhịp thở yếu đến mức ngay khi đặt chiếc gương trước mặt thì cũng không hề thấy một vết hơi nước nào. Nhiệt độ của người ngủ lịm sụt xuống đáng kể, chỉ cao hơn nhiệt độ không khí xung quanh một ít.

Một số thống kê cho thấy, chứng hôn thụy ảnh hưởng đến khoảng ít nhất là 120.000 người ở Mỹ. Một thống kê khác cho kết quả: cứ khoảng 2.000 người thì có một người mắc hội chứng kỳ lạ này. Những cơn ngủ gục rũ rượi đột ngột kéo đến mà không báo trước lại không có cách nào cưỡng được không chỉ gây nhiều cản trở trong mọi hoạt động mà còn làm cho bệnh nhân mất khả năng làm việc hay lái xe an toàn.

Cho đến nay, chưa có chuyên gia y học nào nghiên cứu sâu về nguyên nhân, cơ chế và tìm ra loại thuốc điều trị căn bệnh này. Mới đây nhất, các nhà khoa học Mỹ thông báo tìm ra một đột biến di truyền trong não có thể gây chứng hôn thụy. Khiếm khuyết nằm trong một gen có vai trò tạo ra receptor. Receptor là một túi trên bề mặt tế bào não tiếp nhận tín hiệu từ các tế bào khác, nó nhận thông tin từ protein hypocretin-2. Khi gen bị đột biến, receptor không nhận được tín hiệu vì nó không thể nhận biết protein. Kết quả là người bị đột biến này lập tức ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giả thuyết. Và đây vẫn là một thách thức đối với y học hiện đại.

Minh Giang (Theo Tiếng vọng hành tinh)

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]