Hormone bổ sung – con dao hai lưỡi

15.6004
Khó chịu với những cơn bốc hỏa, đau khổ trước sự “xuống cấp” nhan sắc khi tuổi mãn kinh gõ cửa hoặc chỉ đơn giản để xử lý làn da mụn… nhiều phụ nữ rỉ tai nhau dùng thuốc bổ sung hormone mà không hề biết những nguy cơ của liệu pháp này.

Thuốc “níu thời gian”

Theo BS Phạm Thị Thanh Thủy, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, liệu pháp thay thế (LPTT) hormone nhằm bổ sung nội tiết tố nữ estrogen cho nguồn estrogen tự nhiên trong cơ thể bị suy giảm khi phụ nữ mãn kinh hoặc ở những người bị bệnh do nồng độ estrogen thấp  như hội chứng Turner, suy buồng trứng sớm… Tuy nhiên, liệu pháp này có những phản ứng, tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới ung thư.

LPTT hormone thường được dùng cho những trường hợp phụ nữ mãn kinh có triệu chứng rối loạn vận mạch, teo âm đạo và phòng ngừa nguy cơ loãng xương hoặc để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Với những trường hợp này, progestin cũng được sử dụng kèm từ khoảng ngày 12 – 24 của chu kỳ kinh, nhằm tái lập một chu kỳ kinh nguyệt bình thường cho người phụ nữ (progestin và estrogen là hai hormone nữ giúp phụ nữ có kinh nguyệt và thụ thai). Với một số ít trường hợp, nội tiết tố nam testosterone cũng được sử dụng nhằm cải thiện chất lượng tình dục cho nữ giới trước ngưỡng cửa mãn kinh.

Một lợi ích của việc bổ sung nội tiết tố được nhiều chị em quan tâm là khả năng cải thiện đời sống tình dục thông qua việc làm tăng ham muốn tình dục ở phụ nữ mãn kinh. Nội tiết tố nữ giúp bộ máy sinh sản tiếp tục hoạt động. Estrogen cũng là hormone có vai trò quan trọng đối với vẻ đẹp của làn da, mái tóc, các đường cong của cơ thể phụ nữ.

Và mặt trái

Dù mang lại nhiều hiệu quả, nhưng LPTT hormone chống chỉ định với những trường hợp: xuất huyết âm đạo bất thường; người mắc ung thư vú hay tiền căn ung thư vú hoặc đang nghi ngờ; có hoặc đang nghi ngờ có khối u tân sinh phụ thuộc vào estrogen; người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối tĩnh mạch phổi hoặc có tiền căn những bệnh lý này; người đang bị hoặc tiền sử tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim; người bị suy gan hoặc bệnh lý ở gan; người có cơ địa nhạy cảm với estrogen hoặc các chế phẩm có estrogen; phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.

Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng cần thận trọng khi sử dụng LPTT hormone: người có bệnh lý ở túi mật như viêm túi mật cấp và mạn tính, sỏi túi mật; người bị tăng triglycerid trong máu; tiền sử có hội chứng vàng da do tắc mật; người bị ứ đọng nước trong cơ thể do suy tim hoặc suy thận; người bị hạ canxi máu nặng; phụ nữ có tiền sử có bệnh lý lạc nội mạc tử cung; người có khối u máu ở gan.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng hormone estrogen thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú… Ngoài ra, trong quá trình sử dụng LPTT hormone, người dùng có thể gặp những tác dụng ngoài mong muốn như buồn nôn, nhức đầu, căng ngực, tăng huyết áp, tăng cân…

BS Thanh Thủy cho rằng, nếu có nhu cầu sử dụng hormone thay thế, người sử dụng nên cân nhắc mặt lợi – hại và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Lợi ích và tác hại của LPTT hormone là đề tài bàn cãi nhiều năm của ngành y. Tháng 4/2011, giáo sư Valerie Beral, Trưởng khoa Dịch tễ Trung tâm Nghiên cứu ung thư (Anh), đưa ra dẫn chứng LPTT hormone làm tăng nguy cơ ung thư vú. Kết quả nghiên cứu trên hơn 1,3 triệu phụ nữ Anh kể từ năm 1997 cho thấy, 1% phụ nữ độ tuổi 50 bị ung thư vú trong hơn năm năm dùng thuốc bổ sung estrogen. Tỷ lệ này là 2% với người dùng cả estrogen và progestin. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet ngày 19/4/2007 cũng chứng minh việc dùng estrogen trong hơn năm năm làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

BACSI.com (Theo PNO)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]