Hủ tiếu của người Hoa

Đất Sài Gòn vốn "dung nạp" nhiều món hủ tiếu đến từ mọi miền: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang…, theo đó là những biến tấu đã thành quen thuộc: hủ tiếu bò kho, hủ tiếu khô…

15.5822
Trong số này, hủ tiếu của người Hoa có những sắc màu rất riêng...
 
Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ làm thực khách thỏa lòng.

Dần dà, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá... Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô. Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ… Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Một tô hủ tiếu như thế dư sức làm “ngất ngây” thực khách.



Từ những tô hủ tiếu với thành phần món ăn phong phú trên, người ta còn sáng chế ra hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho (có lẽ chất nước đặc quánh của bò kho chỉ thích hợp với cái dai của hủ tiếu thay vì bún, phở) hay hủ tiếu khô trộn chút mỡ, xì dầu, nước lèo để riêng. Người Hoa còn có món hủ tiếu lòng bò, ăn rất lạ miệng.

Nhưng từ “lạ” chỉ đúng nghĩa khi kể đến món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.

Đầu tiên phải kể đến món hủ tiếu cá, món ăn thành danh của quán Nam Lợi, một quán người Hoa lâu đời trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Sợi hủ tiếu có hai loại: loại nhỏ, dai như thường thấy, loại sợi mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Đôi khi người ta còn thêm vào tô hủ tiếu những vắt mì tươi vàng óng.

Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương, xắc từng lát mỏng, qua tay nghề của đầu bếp được xoắn hình lò xo rất đẹp mắt. Trước khi bỏ vào tô, cá được chần sơ qua nước lèo. Tô hủ tiếu rắc thật nhiều tiêu, vừa có vị ngọt của cá, lại vừa thoang thoảng mùi mực khô và xương hầm. Cái ngon của nó chính là ở hương vị vừa lạ mà quen: dù đây là món “rặc” Hoa, nhưng khi ăn cứ thấy như lẩn quất chút hương vị của bún cá miền Tây. Nếu không thích cá, thực khách có thể thay bằng món hủ tiếu gà, cũng lạ miệng không kém.

Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: sợi hủ tiếu làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Chính cái dai dai của hủ tiếu bột lọc khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm. Món ăn này xuất hiện ở nhiều quán ăn trong khu vực quận 5, nơi có nhiều người Hoa sinh sống.

Cũng ở quận 5, trên đường Triệu Quang Phục, ta lại bắt gặp một "vẻ" khác của món ăn này: hủ tiếu sa tế. Không quán xá gì cả, đó chỉ là một xe hủ tiếu nằm trước một ngôi chùa Hoa. Dẫu buôn bán đã hơn 40 năm nhưng cái xe hủ tiếu đó vẫn không hề thay đổi hay “nâng cấp”. Thế mà giá một tô hủ tiếu lại không hề rẻ (20 - 25 ngàn/tô). Có lẽ đó chính là cái giá trả cho công phu của chủ quán chăm chút cho tô hủ tiếu rất “ngộ” này.

 “Ngộ” từ sợi hủ tiếu mềm và to bản y như sợi phở, đến thứ thịt được dùng là thịt bò, rồi cả gân, bao tử, bò viên... và rau ăn kèm là rau thơm, dưa leo, cà chua. Cái đặc biệt nhất là mùi vị của nước lèo: phảng phất mùi sa tế, hương tỏi, sả, hồi, quế, đậu phộng băm nhuyễn… Nó khiến người ăn có cảm giác đang thưởng thức một món phở lạ miệng.

Hủ tiếu sa tế, ngoài vị xé lưỡi, còn độc đáo ở cái nước lèo hơi sệt, thơm cả mùi phở lẫn cà ri, lại  béo ngậy đậu phộng xay. Chính nét đặc trưng ấy tạo nên điểm nhấn cho hủ tiếu sa tế. Món hủ tiếu này cũng góp thêm chút sắc màu vào sự phong phú của các món hủ tiếu Hoa.
 
 
Theo Hải Yến
Phụ nữ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]