Huế phải làm mới cho ngành du lịch

Hầu hết đại biểu, từ các nhà đầu tư đến nhà quản lý du lịch tại hội nghị hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Huế đều cho rằng Huế cần làm mới ngành du lịch.

15.6014

Huế là một giá trị đặc sắc của Việt Nam, là di sản quí hiếm, đậm đà bản sắc Việt. Đó là lời nhấn mạnh của ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch VN kiêm chủ tịch Hiệp hội lữ hành và ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Vietnam Travelmart kiêm Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng trong hội nghị hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chiều 1/4 tại Huế.

Ông Hà Văn Siêu - Tổng cục phó Tổng cục du lịch - cho biết những năm về trước, nhất là giai đoạn từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 2000, Huế luôn là ngôi sao đầu đàn của du lịch Việt Nam, chỉ đứng sau TP HCM và Hà Nội, chính là nhờ giá trị đặc sắc đó.

Festival Huế là một nỗ lực nhằm tạo ra sản phẩm mới cho du lịch Huế, tuy nhiên phải hai năm mới có một lần, nên du lịch Huế vẫn xưa cũ. Ảnh: Tiến Long.

.

Nhưng vài năm trở lại đây, du lịch Huế chững lại và thụt lùi so một số địa phương lân cận. Vì sao vậy?

Du lịch Huế quá cũ và buồn

Cả ông Siêu và các nhà kinh doanh du lịch trong nước đều cùng một câu trả lời: Vì du lịch Huế đã quá cũ, cũ đến mức đơn điệu, quanh quẩn với tham quan di sản. Các sản phẩm mới thì chưa hoàn chỉnh, chưa sẵn sàng để phục vụ du khách.

Nhất là ban đêm, thời điểm thú vị nhất để khách vui chơi thì Huế hầu như chẳng có gì đặc sắc. Festival Huế hai năm dồn lại một lần quá nhiều chương trình. Hết festival, Huế trở về như cũ.  Khách sạn thì nhiều nhưng chất lượng chưa cao.

Nạn chèo kéo, chặt chém luôn làm phiền du khách. Quảng bá thì nhỏ lẻ, không tạo  ấn tượng mạnh... Vì vậy, theo ông Siêu, du lịch Huế cần phải “khởi đầu lại cho một thời kỳ mới!”.

Cùng một nội dung đánh giá “Huế quá cũ”, các ý kiến cũng đều đề xuất Huế cần phải có sản phẩm mới. Đó là các sản phẩm du lịch biển, đầm phá, núi rừng, vui chơi, giải trí... bởi Huế đâu chỉ có di sản văn hóa, mà còn có biển Lăng Cô, núi rừng Bạch Mã, phá Tam Giang... Di sản văn hóa đâu chỉ có cung điện, lăng tẩm triều Nguyễn mà còn nhà vườn, làng quê, chùa chiền...

Ông Vũ Đình Quân - tổng giám đốc Công ty du lịch Bến Thành (TP HCM) - than phiền đêm Huế đã buồn lại còn tiết kiệm ánh sáng. Đêm Huế trầm mặc chỉ phù hợp với số ít du khách, còn số đông vẫn muốn tìm đến với các trò vui chơi, giải trí. Vì vậy, du khách tham quan Huế xong thì vào nghỉ đêm ở Đà Nẵng.

Ông Bùi Minh Thắng - Tổng giám đốc Công ty dịch vụ du lịch thương mại Phương Thắng (Nha Trang) - đề xuất nên mời đạo diễn lớn đẳng cấp thế giới dàn dựng một chương trình nghệ thuật đặc sắc về kinh đô Huế như Smile Anhkor (do Trương Nghệ Mưu dàn dựng) của Campuchia hay Siam Niramit của Thái Lan.

Ngoài ra, Huế cần đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông, khách sạn, nhà hàng...

Chương trình nghệ thuật Đêm hoàng cung của Huế chưa đủ để trở thành một show diễn đặc sắc như Smile Anhkor của Campuchia hay Siam Niramit của Thái Lan. Ảnh: Gia Hưng.

Cần những nhà đầu tư lớn

Muốn có nguồn vốn để làm những việc trên đây, theo ông Bình, không gì khác hơn là phải thu hút cho được các nhà đầu tư lớn, và tránh xa những nhà đầu tư “xí phần”. Cụ thể, như ông Dũng, Huế cần chú ý thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tìm kiếm cho bằng được nhà đầu tư FDI thật lớn, chỉ như thế mới tạo được sự đột phá như Đà Nẵng đã làm.

Ông Trần Hùng Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn - nhấn mạnh làm du lịch là phải liên kết với Đà Nẵng và Quảng Nam, để khai thác tối đa giá trị của nhau. Ông Phạm Quang Thanh - Tổng giám đốc Công ty du lịch Hà Nội - đề nghị Huế cần phải liên kết với cả Hà Nội và TP HCM để khai thác lượng khách quốc tế rất lớn đến từ hai đầu mối này.

Các doanh nghiệp lữ hành thì đề nghị phải mở thêm đường bay nội địa và quốc tế đến Huế; hàng không là con đường của du khách và đây lại là bất lợi của Huế. Sau cùng là việc quảng bá cần phải đầu tư tập trung, mạnh dạn chi nhiều tiền để có mặt tại các hội chợ du lịch lớn của thế giới.  

“Nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì xin tỉnh hãy tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho du lịch”, ông Siêu kêu gọi.

Trả lời những góp ý và đề xuất đó, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết việc tỉnh mời các hãng lữ hành, các công ty du lịch, lãnh đạo của ngành du lịch quốc gia và các trung tâm du lịch đến Huế là thật tâm muốn nghe những lời hiến kế, giúp du lịch Huế phát triển đúng tiềm năng và vị thế của mình.

Du lịch Huế đang đòi hỏi phải làm nhiều việc, trong đó có những việc quan trọng như: tái cấu trúc lại ngành du lịch, tái thành lập sở du lịch.

“Tôi muốn mời các vị có mặt ở đây tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy du lịch Thừa Thiên - Huế!” - ông Cao nói.



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]