Ngày 16-8, hơn 900.000 học sinh tiểu học, THCS và THPT đã chính thức bước vào những tiết học đầu tiên của năm học 2010-2011.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Khó khăn chính của ngành giáo dục TP hiện nay là tiến độ xây dựng trường lớp còn chậm. Năm học này, TP.HCM có thêm 1.059 phòng học được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn có hàng trăm phòng chức năng được xây mới.

Năm học 2010-2011, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung “Đổi mới toàn diện nhà trường” nhằm từng bước xây dựng các trường tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, hội nhập giáo dục khu vực. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, ra đề thi cũng được đổi mới: chú trọng việc biên soạn câu hỏi dưới dạng mở; khuyến khích học sinh sáng tạo trong giải quyết vấn đề, tránh học vẹt. Năm học 2009-2010, một số trường đã làm rất tốt việc này. Chẳng hạn Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) bố trí lại bàn ghế theo cách học hiện đại (học theo nhóm và thầy, cô dạy theo cá thể), Trường THPT Thạnh Lộc với chuyên đề tổ chức lớp học theo cặp - nhóm kết hợp với phương pháp giao tiếp…”.

Năm học mới này sẽ khuyến khích học sinh sáng tạo, tránh học vẹt. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Chính Nghĩa, quận 5, TP. HCM)

Năm học này, TP.HCM phấn đấu mỗi quận, huyện có ít nhất bốn trường đạt chuẩn của khu vực và quốc tế (tăng ba trường so với năm học trước); đến năm 2015, 100% học sinh tiểu học, 50% học sinh THCS và 30% học sinh THPT được học hai buổi/ngày.

Cũng trong ngày tựu trường, tại một số trường tiểu học, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng, lo lắng trước nhận xét của giáo viên về việc học sinh chưa học trước lớp 1 khiến công tác giảng dạy trong lớp không đồng đều, gây ảnh hưởng chung cho lớp học. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay: “Giáo viên nào bị phụ huynh phản ánh về việc phàn nàn trẻ mới vào lớp 1 chưa biết mặt chữ, con số sẽ bị xử lý nghiêm vì ngành không bắt buộc trẻ phải học trước chương trình khi vào lớp 1”.

Ông Điệp lưu ý: Giáo viên cần lắng nghe ý kiến trẻ, nhận xét nhẹ nhàng và khen ngợi đúng mực, chỉ nhắc nhở những chỗ còn hạn chế để trẻ thực hiện lại; tránh lời lẽ gay gắt, phê phán, trách phạt nặng nề khiến trẻ sợ hãi và tổn thương. Giáo viên cần lưu ý đến quá trình tiến bộ của học sinh, đặc biệt là học sinh mới vào lớp 1. Với những trẻ chưa qua mầm non, giáo viên cần chú ý giúp đỡ, động viên và khen ngợi nỗ lực của trẻ. Tránh cho điểm thấp mà không có lời nhận xét cụ thể để gia đình hiểu và kết hợp rèn luyện cho học sinh tiến bộ. Tuyệt đối không dùng thước gõ lên bảng, lên bàn học gây âm thanh chấn động tinh thần trẻ và không xúc phạm thân thể trẻ dưới mọi hình thức.

QUỐC VIỆT


Video đang được xem nhiều