'Kem, sữa chua... vỉa hè dễ nhiễm chất độc melamine'

Các loại bánh bông lan, sữa chua, caremen... tự làm từ bột sữa không nhãn mác sẽ có nguy cơ lớn nhiễm chất gây độc này, ông Bùi Đức Phong, phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, nhấn mạnh.

15.5841

Ông Bùi Đức Phong, phó Chánh thanh tra Bộ Y tế. Ảnh: M.T.

Trước các thông tin liên tiếp về vụ việc chất độc melamine trong sữa Trung Quốc, Bộ Y tế mới đây đã có công văn khẩn yêu cầu các tỉnh kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa, lấy mẫu những sản phẩm nghi ngờ không đạt chuẩn để kiểm kiệm về chất lượng và độ an toàn, tiêu hủy các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cũng trong những ngày qua, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh. Đến thời điểm này, chưa phát hiện sữa Sanlu hay các loại sữa Trung Quốc khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh sữa hộp của hãng Wyeth (ở Hàng Buồm) không có nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt. Một ki ốt ở chợ Đồng Xuân cũng kinh doanh sữa bột đóng túi không tem nhãn và đã bị thu giữ. Các sản phẩm này chưa được cơ quan y tế cấp chứng nhận tiêu chuẩn, không đảm bảo chất lượng nên có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trẻ em. 

21 mẫu sữa đã được giao Viện Dinh dưỡng để kiểm nghiệm các tiêu chuẩn lý hóa, vi sinh, đang chờ kết quả.

Ông Bùi Đức Phong, phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay công nghệ ở nước ta thừa sức kiểm nghiệm và phát hiện melamine. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những loại sữa trôi nổi có thể lọt vào thị trường, và được dùng để làm ra các sản phẩm không nhãn mác như caramen, sữa chua, bánh kẹo..., vốn đang được bày bán rất nhiều ở các đường phố mà người dân Việt Nam vẫn quen dùng.

Đối với các công ty sữa lớn trong nước, Bộ Y tế đang soạn thảo một công văn yêu cầu phải tự kiểm tra lại xem nguồn gốc nguyên liệu làm sữa và chất lượng sữa qua tất cả các khâu, từ nhập nguyên liệu, chế biến đến thành phẩm.

Ông Phong cũng cho rằng, hiện, khi các cơ quan chức năng còn chưa kiểm tra hết các sản phẩm sữa trong nước, nguời tiêu dùng phải tự biết bảo vệ mình, chỉ sử dụng các sản phẩm có ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất, nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng. Nên tránh những loại bánh kẹo, sữa chua, caremen... tự làm từ những nguyên liệu sữa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, vì có nguy cơ chúng làm từ sữa nhiễm độc.

"Ngay cả với sản phẩm có đủ các điều kiện trên mà bao bì bị rách, mốc hay có dấu hiệu bất thường cũng phải loại trừ", ông Phong nói.

Minh Thùy

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]