Kem tan mỡ liệu có hiệu quả?

15.6009

Dù giàu hay nghèo, bạn vẫn kiếm được một lọ kem tan mỡ hợp túi tiền của mình. Và theo như quảng cáo, chỉ cần một tuần là vòng bụng đã nhỏ đi thấy rõ.

“Thúc đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, giúp bạn đánh bay mỡ bụng, giảm 3 cm vòng eo chỉ trong 3 ngày…”, những quảng cáo này khiến kem tiêu mỡ luôn bán chạy dù đến nay, tác dụng của nó vẫn chưa được y học thực sự  thừa nhận.

Dù xông xênh tiền bạc hay phải “chắt bóp” trong chi tiêu, chị em đều không thấy “quá sức” khi muốn mua kem tan mỡ, bởi giá của nó cực đa dạng, từ hàng Trung Quốc bình dân chỉ 150.000 đồng đến sản phẩm của các hãng mỹ phẩm cao cấp giá vài triệu đồng.

“Cứ bôi, biết đâu eo lại nhỏ đi”

Đó là tâm lý của rất nhiều chị em khi mua kem tan mỡ. Ngoài những người cực kỳ tin vào quảng cáo “giảm vòng eo rõ rệt sau tuần đầu sử dụng”, không ít quý bà quý cô bán tín bán nghi, nhưng rồi vẫn xuất tiền mua với hy vọng: “Biết đâu bụng mình nhỏ lại một chút, cứ bôi cho đỡ ân hận”. Để “chắc ăn” hơn, nhiều chị sử dụng kem tiêu mỡ ở các mỹ viện, spa, nơi có máy móc hỗ trợ.

“Mình được họ bôi kem tan mỡ, rồi đánh bụng đau thấu trời xanh, lại còn quấn nóng nữa. Mất cả chục triệu đồng, đo lại eo thấy cũng giảm được 3 – 4 cm. Nhưng sau đó ít ngày thì lại như cũ. Đến spa bắt đền thì các cô ấy bảo tại chị không kết hợp ăn kiêng với tập thể dục”, chị Võ Mai Linh, 36 tuổi, Hà Nội, tâm sự.

Còn Thu Giang, 26 tuổi, kể: “Em thì chẳng có tiền đi mỹ viện nên chỉ mua kem về tự bôi thôi. Ngày nào cũng thoa hai lần, hì hục massage đúng nửa tiếng như hướng dẫn, mỏi nhừ cả tay. Thế mà hết 3 lọ kem rồi vẫn chả giảm phân nào hết”.

Không có chuyện bôi kem mà “đốt” được mỡ

Bác sĩ Trần Thiết Sơn, Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội, khẳng định như vậy. Theo ông, muốn giảm cân và tiêu mỡ thì cách duy nhất thực sự đem lại hiệu quả là giảm năng lượng nạp vào cơ thể qua thức ăn và tăng năng lượng tiêu thụ bằng cách tập thể dục. Việc bôi kem ngoài da không thể làm tan mỡ, cho dù có kết hợp massage.

Thực ra, việc kem bôi mỡ có tác dụng hay không vẫn đang gây tranh cãi, bởi nhiều thành phần của kem như gừng, ớt, caffeine… được một số nghiên cứu kết luận là có tác dụng phân giải hay “đốt cháy” mỡ. Tuy nhiên theo tiến sĩ Trần Thiết Sơn, ngay cả khi điều đó đúng, các chất này cũng không thể thấm xuống các lớp mỡ sâu được. Vì thế chuyện các tảng mỡ ở bụng dưới, hông, đùi… mỏng đi sau khi bôi kem là không thể có.

“Nếu tin rằng kem bôi có thể làm thon eo, thì bạn nghĩ sao nếu các ngôi sao nổi tiếng, thừa tiền mua các loại kem xịn nhất, đến các mỹ viện sang nhất, lại vẫn phải đổ mồ hôi mấy tiếng đồng hồ trong phòng tập mỗi ngày?”, một bác sĩ da liễu nói. Bác sĩ này cũng cho biết, nhiều loại kem tan mỡ thực ra có tác dụng làm săn da, khiến vùng bụng có vẻ săn chắc, gọn gàng hơn. Đó là lý do một số chị em có cảm giác kem đem lại hiệu quả.

Bụng vẫn phình mà da thì lở loét

Chẳng những thất bại trong “chiến dịch giảm béo mà không mất sức”, nhiều chị em còn phải đến bác sĩ da liễu do dị ứng với loại mỹ phẩm này.

“Em thấy quảng cáo trên mạng là kem có ớt, gừng và thảo dược cổ truyền của Ấn Độ thì mê quá, mua một lọ. Lần đầu bôi em đã thấy da nóng bỏng rất khó chịu, gọi điện cho chị bán hàng, chị ấy bảo kem có ớt thì phải nóng chứ em, nóng thì mới đốt cháy được mỡ chứ em, cứ massage đi, sau đó đừng rửa mà chỉ dùng khăn lau kem thừa đi thôi. Nhưng lau hết lâu rồi mà da bụng em vẫn đỏ bừng lên, nóng, rát. Dùng được một tuần thì em không dám cố nữa vì các mụn nhỏ bắt đầu mọc”, Thu, 23 tuổi, kể.

Thu đi khám ở chuyên khoa da liễu, bác sĩ điều trị cả tháng mới tạm ổn. Bác sĩ cho biết Thu chỉ là một trong nhiều trường hợp dị ứng, viêm da do kem tiêu mỡ, bởi bất cứ mỹ phẩm nào cũng tiềm ẩn nguy cơ dị ứng, trong khi kem tiêu mỡ lại chứa nhiều thành phần có tính kích ứng mạnh, lại bôi lên diện tích da rộng.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, chị em muốn giảm được mỡ thừa thì nên kiểm soát ăn uống và tập thể dục. Như vậy bạn chẳng những có vóc dáng thon thả mà còn có được sức khỏe tốt.

BACSI.com (Theo Datviet)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]