Kết thúc điều trị 48 cháu bé mắc bệnh sởi

GiadinhNet - Lãnh đạo huyện Tương Dương khẳng định bệnh viện dã chiến tại trường học đã giải tán, ổ dịch sởi tại đây đã được kiểm soát.

15.6093

Sáng ngày 16/10, ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, sau 4 ngày lấy 5 phòng của Trường Tiểu học ở bản Piềng Coọc, xã Mai Sơn làm trạm dã chiến điều trị dịch sởi cho 48 em học sinh bị nhiễm bệnh, hiện sức khỏe của các cháu đã tốt lên và được cho về nhà.

"Việc điều trị cho các cháu đã xong rồi. Chỉ còn 2 cháu cuối cùng trong chiều ngày hôm nay cũng sẽ được cho về nhà", ông Hợi nói.

Như đã thông tin trước đó, dịch sởi bùng phát trên địa bàn xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ít nhất 48 em mắc triệu chứng phát ban, 1 em đã tử vong. Trước tình hình đó, nhà chức trách huyện Tương Dương phối hợp cùng với Sở y tế Nghệ An, Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An và các cơ quan khác nhanh chóng vào cuộc khống chế dập dịch.

Ngày 13/10, bệnh viện dã chiến được thành lập điều trị cho 48 cháu nhỏ bị sốt phát ban ngay tại xã này. UBND huyện Tương Dương thống nhất cho 127 em học sinh 3 cấp ( mầm non, tiểu học và THCS) ở bản Piềng Cọc được nghỉ học nửa tháng, bắt đầu từ ngày 14/10 để ngăn dịch sởi bùng phát, lan rộng sang các địa bàn khác. Bản Piềng Coọc có tất cả 50 hộ với 346 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông cũng đã được cách ly.

Sau khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chuyên môn cũng đã kết luận 48 cháu này mắc bệnh sởi.

Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở y tế Nghệ An yêu cầu giám sát chặt chẽ diễn biến dịch sốt phát ban dạng sởi tại Piêng Coọc, bằng mọi biện pháp phải khống chế và dập dịch. Cục cho rằng Nghệ An báo cáo tỷ lệ tiêm chủng của cả tỉnh đạt rất cao trên 96% nhưng có xã lại rất thấp. Vì thế dịch bệnh bùng phát tại các "vùng lõm", trách nhiệm này, theo Cục, thuộc về chính quyền địa phương.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, ông Bùi Đình Long cũng nhận định: "Chất lượng công tác tiêm chủng ở vùng sâu vùng xa đang là vấn đề rất quan trọng". Phía ngành y tế cung cấp dịch vụ và nhân dân cần phối hợp chặt chẽ thì hiệu quả mới cao.“Tỷ lệ tiêm vacxin ở vùng dân cư trên 80% sẽ giảm được việc phát sinh dịch bệnh, nếu không rất dễ bùng phát các bệnh dịch và truyền nhiễm”, ông Long cho biết.

Hồ Hà 

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]