Khai mạc tập huấn “Khung năng lực giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam“

GD&TĐ - Sáng nay (4/10), tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 khai mạc tập huấn “Khung năng lực giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam (ETCF)” cho các giảng viên và cán bộ quản lý của các Sở GD&ĐT.

0

Buổi tập huấn diễn ra trong 1 ngày nhằm hướng dẫn sử dụng Khung ETCF áp dụng trong giảng dạy.

Khung ETCF được coi là kim chỉ nam cho việc xác định năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam và đã đưa ra một hướng tiếp cận cơ bản trong việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh Việt Nam.

Khi người thầy có thể đánh giá bản thân bằng các công cụ tương thích với Khung ETCF, họ sẽ xác định được thế mạnh và các năng lực cần trau dồi, từ đó học hỏi, vượt qua được giới hạn của chính mình, tự tin hội nhập và trở thành người thầy của thế kỷ mới.

Học viên và những đơn vị, tổ chức phát triển, cung cấp chương trình cũng nên tham khảo và sử dụng Khung ETCF để có thể hoàn thiện sản phẩm, sách giáo khoa, giáo trình của mình và xác định được nhu cầu của giáo viên để xây dựng các chương trình bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả.

Việc ban hành Khung ETCF tại Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh và mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế.

 TS. Vũ Thị Tú Anh phát biểu tại buổi tập huấn

Phát biểu tại buổi tập huấn, TS. Vũ Thị Tú Anh – Phó Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhấn mạnh: Mục tiêu của Khung ETCF là giúp giáo viên tiếng Anh có cơ sở tự đánh giá, xác định kế hoạch phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của mình phù hợp và khả thi. 

Đồng thời Khung ETCF giúp cho cán bộ quản lý, phụ trách chuyên môn công cụ và kiến thức để chỉ đạo, quản lý, tổ chức triển khai đánh giá, cải tiến các chương trình giảng dạy và chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam.

Cùng với Khung năng lực 6 bậc theo tham chiếu châu Âu, Khung ETCF là hai tài liệu căn bản, quan trọng nhất để phục vụ cho đổi mới dạy và học tiếng Anh. Đồng thời đây chính là căn cứ pháp lý chuyên môn cơ bản để đánh giá thực trạng năng lực của giáo viên, để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.

Cũng thông qua Khung ETCF, giáo viên đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp và biết được mình đang ở đâu để tiếp tục phấn đấu.

TS. Vũ Thị Tú Anh cho biết, sau buổi tập huấn này, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sẽ tổ chức tập huấn tập trung theo hình thức trực tuyến và tiếp tục duy trì thảo luận trên diễn đàn này.

Qua đó nhằm tạo được thói quen gắn bó của các giáo viên khi cùng quan tâm đến một vấn đề. Đồng thời tạo được những nhóm cộng tác để làm việc thường xuyên liên tục theo nhu cầu thực tiễn của cá nhân và địa phương.

Sau đó Ban quản lý sẽ có một chương trình bồi dưỡng một tuần ở ba miền. Tại lớp tập huấn này, chuyên gia quốc tế sẽ tài liệu hóa Khung ETCF thành các mô đun giảng dạy cụ thể.

Tiếp đến Đề án sẽ tiến hành quay video nhằm truyền hình hóa, số hóa những bài giảng cơ bản nhất để giáo viên có thể tham khảo và tự bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, Đề án cũng khuyến khích các buổi tập huấn tại các địa phương, đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị đó.

Mục đích sử dụng ETCF là đánh giá nhu cầu giáo viên; đánh giá chương trình bồi dưỡng và phát triển giáo viên; Hoàn thiện chất lượng chương trình bồi dưỡng và phát triển giáo viên và trang bị cho giáo viên có khả năng tự đánh giá, xác định nghề nghiệp.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]