Vậy là phải chịu khó chịu khổ để tự sắp xếp mọi chi tiết cho chuyến đi. Cũng đã quen với việc tự đi du lịch và lại biết trước Ai Cập là đất nước có nguồn thu khổng lồ từ du lịch, nên rất ung dung đặt mỗi khách sạn tại Cairo, còn lại nghĩ bụng đến nơi rồi tính. Nào ngờ, những ngày mặc cả... "ác liệt" sắp bắt đầu.

"Chúng tôi đến từ Việt Nam và biết mặc cả!"

Đây gần như là câu bảo bối trong suốt hai tuần lang thang khắp chốn ở Ai Cập. Người nước ngoài muốn mua gì đều cần mặc cả. Từ chai nước suối, kẹo ngậm, khăn đội đầu, áo cotton dài, đồ lưu niệm đến gọi taxi, mua tour đi sa mạc, tour du thuyền trên sông Nile, phí thuê quần áo cho phụ nữ ngoại đạo trong những ngôi đền… mọi chi phí liên quan đến tiền đều cần kỹ năng mặc cả. Trong các sách hướng dẫn du lịch, dù bằng tiếng gì ở mục liệt kê giá cả tại Ai Cập đều có thêm chú thích: giá còn phụ thuộc khả năng mặc cả của bạn!

Khách sạn ở Cairo thông báo qua email trước khi chúng tôi khởi hành là sẽ miễn phí xe đón sân bay vì chúng tôi đặt 4 đêm ngủ tại chỗ họ. Hớn hở nhận đúng người lái xe cầm biển tên chờ sẵn ở sân bay và theo ông ta ra chỗ đậu xe. Đó là một chiếc taxi không biết do hãng nào sản xuất và không thể đoán nổi thời gian lưu hành xe được bao lâu.
 
Trong xe mù mịt bụi, hôi xì và ọp ẹp, vậy mà bác tài vẫn phóng tít. Khách sạn không cần giữ hộ chiếu, chỉ copy mà thôi, nhưng thu ngay hết tiền phòng. Chúng tôi thông báo kế hoạch thay đổi, chỉ ở Cairo ba đêm, lập tức người lễ tân đòi ngay tiền xe đón sân bay lên đến 100 bảng.
Với một xe cà khổ như thế, nếu tự gọi chỉ mất khoảng 30 bảng mà thôi. Vậy là lại trổ tài mặc cả, và con số dừng lại ở mức 70 bảng. Lần đầu tiên có lẽ vẫn hơi hớ, nhưng chúng tôi đã biết được cách thỏa thuận giá cả với người Ả Rập. Phải hết sức kiên quyết và giữ vững lập trường, nắm chắc thông tin về nơi mình định đi và giá cả thị trường, có thể mới mua được giá phù hợp.
Giá dành cho người nước ngoài cao gấp nhiều lần, có khi tới cả chục lần so với giá dịch vụ cho dân bản địa. Một vé phà qua sông Nile sang bờ phía Tây ở thành phố Luxor chỉ có 25 xu cho người Ai Cập, còn khách nước ngoài cần trả 1 bảng (tức là cao gấp 4 lần).
 

Một suất ăn tại quán bình dân gồm salad, súp, món chính, cơm và tráng miệng người dân ở đấy chỉ phải đưa khoảng 8-10 bảng, còn khách du lịch thì sao, hãy bỏ ra ít nhất 60 bảng trở lên. Chúng tôi luôn hỏi người phục vụ đưa ra thực đơn bằng tiếng Ả Rập để so sánh giá. Vì vậy cần chọn sách hướng dẫn có phụ lục những từ thường dùng bằng tiếng Ả Rập và cần nhận biết được cách viết con số. Chi phí các bữa ăn của chúng tôi bắt đầu giảm xuống rất nhiều.

Mềm nắn rắn buông

Người Ả Rập rất khéo léo và mềm mại, họ đưa ra đủ lý do để chứng tỏ giá của họ xứng đáng đồng tiền bát gạo khách bỏ ra, nhưng họ cũng tìm đủ cách để giữ chân khách và phục vụ bằng bất kỳ giá nào. Đặc biệt họ không hề lộ vẻ tức tối, cáu gắt khi đang điều đình với khách mà luôn kiên nhẫn giải thích và mỉm cười.
Những kẻ chuyên săn du khách "tay mơ" để lừa tiền bạc cũng có bộ dạng lịch thiệp, hòa nhã. Cô bạn tôi năm trước đi chơi một mình ở Cairo đang dạo phố thì "được" một đứa bé rất dễ thương chỉ cho cái nắp cống mà tránh đường, sau đó "được" nó bám theo nhằng nhẵng đòi tiền công cả mấy dãy phố dài.
 
Đấy là còn chưa kể các thể loại "cò" bán đồ bạc, đồ đá chạm trổ, giấy và tranh papyrus, thảm len, tour đi sa mạc, tour cưỡi lạc đà, tour xem múa bụng, thuê thuyền buồm trên sông Nile… nhan nhản ngoài phố săn khách du lịch. Rất mệt người vì phải lắc đầu và nói "No, thanks" liên tục.
Có nhiều kẻ tiếp cận du khách trên phố, hỏi họ đến từ đâu và đều reo lên mừng rỡ lắm: Oh, nước ABC rất tuyệt! Chúng tôi thích các bạn lắm, hôm nay bọn tôi tổ chức tiệc, đặc biệt mời cô tham dự. Khách quý, khách quý! Nhưng thử đi dự tiệc rồi xem, sẽ được mời uống hoặc hút chất kích thích, say mềm người và họ muốn làm gì bạn cũng được!
Để tránh những kiểu bẫy du khách thế này, chỉ cần đơn giản làm mặt lạnh nói: Không, cảm ơn hoặc thậm chí là lờ đi như không hiểu và bước đi. Họ sẽ biết ý không làm phiền bạn nữa.
 
 
 
Từ Cairo mờ mịt bụi sa mạc và láo nháo chợ trời Bazar, thong dong cưỡi lạc đà xem vòng quanh bộ ba Kim tự tháp nổi tiếng ở Giza. Chui vào trong lòng Kim tự tháp bậc thang độc đáo… và ngộp thở bởi mùi amoniac ở đó. Choáng váng trước hàng dãy quan tài trang trí cầu kỳ xếp dày như sách trên giá ở Bảo tàng Cairo. Mê mải ở thành phố đền Luxor, chui ra chui vào các hầm mộ của pharaoh và hoàng gia. Thư thái nằm dài trên boong tàu hít căng gió sông Nile và trồi lên sụt xuống với chiếc xe LandCruiser giữa trập trùng đá tảng của sa mạc Sahara… Ai Cập đã cho chúng tôi chạm tới cánh cửa của niềm sung sướng khám phá.
Theo Deplus