Khi con có thần tượng – Tốt hay xấu?

Có lẽ không ai phủ nhận, sống có thần tượng cũng là một nét văn hóa, nhất là khi thần tượng ai đó để hướng tới những cung bậc giá trị tốt đẹp để học hỏi, phát triển bản thân. Tuy nhiên nếu quá sa đà và coi đó là lẽ sống, thậm chí thay đổi con người và nhân cách thì các bậc cha mẹ phải suy ngẫm và tìm những phương pháp để định hướng cho con về vấn đề này.

15.5739

Thần tượng và những thực trạng

Trang,12 tuổi, ngụ tại quận 10 là một cô bé xinh xắn mê mẩn nhạc Hàn Quốc đến nỗi bắt chước các hành động của ca sĩ, từ kiểu ăn mặc hở hang, đầu tóc nhuộm đủ màu, đến những sở thích quái dị.“Các chị  trong nhóm XYZ vừa xinh đẹp lại rất dễ thương lại còn hát hay nữa chứ. Em yêu các chị ấy lắm. Nhà em đầy ảnh và trang sức giống y chang các chị í luôn.”, Trang hồ hởi khoe với mọi người.

Cùng chung niềm đam mê thần tượng đến cuồng nhiệt, chị em sinh đôi Mai và Vân (học lớp 6, ngụ tại Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) năn nỉ ba mẹ mua vé cho đi xem một nhóm nhạc Hàn Quốc biểu diễn tại Việt Nam, nếu không sẽ dọa nghỉ học.

Quá tôn sùng thần tượng của mình

Với các bé lớn hơn một chút bước vào tuổi teen, sự đam mê thần tượng cũng theo đó mà cuồng nhiệt hơn. Gần đây là hàng loạt những vụ việc nữa liên quan đến việc cuồng nhiệt quá mức vì thần tượng của một bộ phận giới trẻ khi chen lấn, la hét đến mức ngất xỉu phải cấp cứu khi nhìn thấy “bóng dáng” thần tượng trên sân khấu. Hay có thể kể đến vụ việc vì thần tượng một nam ca sĩ nào đó rồi bất chấp sự tự trọng “hôn lên ghế thần tượng” cũng đã là một hồi chuông báo động về việc định hướng nhân cách giới trẻ trong xu hướng văn hóa thần tượng gần đây.

Thần tượng – Tốt hay Xấu?

Vậy, thần tượng có phải là xấu ? Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng chia sẻ. Các em có thần tượng hoàn toàn là điều tốt, nó không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí mà còn phù hợp với lối sống hiện nay. Bắt đầu bước vào lứa tuổi đầy mộng mơ, các bạn luôn muốn học hỏi bắt chước và làm theo các hình ảnh thần tượng. Thế nhưng, không phải cái gì cũng tốt hoàn toàn, các bạn trẻ phải tỉnh táo nên học những điều hay chứ không nên mù quáng chạy theo thần tượng. Phim ảnh cũng chỉ là phim ảnh, điều quan trọng vẫn là cuộc sống bên ngoài của chính mình. Thần tượng có hình ảnh của họ, bản thân bạn trẻ cũng có hình ảnh riêng của mình, bất kỳ ai trong chúng ta cũng đặc biệt cả.

Siêu nhân là thần tượng quen thuộc của nhiều bé trai

Thần tượng thuở trước giống như một tấm gương để giới trẻ noi theo, có anh chàng thích chơi guitar vì mê một ca sĩ hát hay đàn giòi, mê đá bóng vì một chân sút siêu đẳng với những pha bóng kịch tính ..v..v.Chị Mai (ngụ tại quận 1) một người mẹ có con trai kháu khỉnh 8 tuổi cho biết:“Nhớ ngày xưa lúc còn bé, mình cũng thần tượng rất nhiều ca sĩ nhưng đơn giản chỉ là thích nghe những bài hát của họ qua mấy chiếc băng cát sét hay hơn nữa là sưu tầm những tấm poster cắt ra được từ báo, tạp chí. Đó là một trong những kỉ niệm tuổi học trò dễ thương”. Rất nhiều mặt tốt từ việc hướng theo thần tượng để cổ vũ tinh thần hoặc thúc đẩy cá nhân bản thân phát triển. Có thể coi việc định hướng tốt theo thần tượng cũng giống như khi bạn có một người thầy giỏi đi trước dẫn đường giúp việc học tập trở nên dễ dàng và đơn giản hơn. Quan niệm “thần tượng” không phải là xấu mà do cách tiếp cận, nhận thức và định hướng của chúng ta dành cho nó chưa rõ mà thôi.

Hướng con đến những thần tượng “có thật”

Để giúp giới trẻ, đặc biệt là chính con chúng ta ngày nay có cái nhìn đúng đắn hơn về điều này, các cha mẹ nên dẫn dắt con theo những hình ảnh thần tượng trong thực tế cuộc sống. Thạc sĩ giáo dục học Phạm Phúc Thịnh, Chuyên viên tư vấn trung tâm “Nhịp cầu hạnh phúc” đưa ra lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ: “Phụ huynh không nên choáng khi thấy con cái mình có những biểu hiện yêu thích thần tượng. Thứ nhất là do khoảng cách của thế hệ. Thứ hai là ở lứa tuổi phải nói là già đi này, các bậc phụ huynh đã trải qua niềm đam mê thần tượng. Người lớn nên khuyên các con định hướng thần tượng chứ không nên phê phán. Nếu phê phán thì vô tình làm cho con cái hiểu rằng ba mẹ không hiểu gì cả và dần dần sẽ ít chia sẻ với ba mẹ, vô tình tạo nên một khoảng cách rất khó để gần gũi các em”.

Hằng tuần, cha mẹ nên dẫn con đến những địa điểm lịch sử như bảo tàng, thư viện, nhà sách để cho con tiếp xúc với những tấm gương lịch sử có thực hoặc học hỏi thêm về tiểu sử của một vị danh nhân, nhà khoa học nào đó. Đây là cách mà các cha mẹ phương Tây thường dùng để định hướng nhân cách cho con. Qua quan sát và tiếp thu kiến thức về những người nổi tiếng trong thực tế đó, trẻ sẽ dần xây dựng và phát triển được nhận thức đúng sai, tốt xấu trước một sự việc. Nhận thức phát triển sẽ thúc đẩy những định hướng vể thẩm mỹ và cái đẹp nhân văn đích thực của mỗi người.

Lời khuyên khi định hướng thần tượng cho con

Việc định hướng và giáo dục cho trẻ phải thật kiên trì và có phương pháp rõ ràng. Sau đây là một vài điều cha mẹ tuyệt đối tránh khi con có thần tượng.

Đầu tiên, cha mẹ không nên cấm đoán con một cách quá gay gắt như la mắng hoặc trách móc con vì điều này. Khi đó, bản năng của trẻ sẽ chống cự và bảo vệ cho “sự đúng” của mình. Chúng có thể chấp nhận bỏ qua cho bạn nhưng trong lòng vẫn chưa “tâm phục khẩu phục”. Hậu quả là những lần sau dù bạn có khuyên bảo thế nào chúng cũng sẽ bỏ ngoài tai mà thôi.

Thêm nữa, cha mẹ không nên nói xấu hoặc chỉ trích thần tượng của trẻ bởi như đã nói ở trên thần tượng một phần thể hiện điều mà trẻ muốn hướng tới để hoàn thiện mình. Khi bạn đánh giá thấp thần tượng của trẻ cũng đồng nghĩa với việc bạn nói với trẻ rằng “Con thật ngu ngốc”. Điều này hoàn toàn không nên xảy ra trong việc giáo dục trẻ nhỏ.

Tổ chức những buổi dã ngoại ngoài trời cho cả gia đình

Chia sẻ mọi buồn vui trong gia đình

“Chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ” đó là tất cả những gì cha mẹ phải làm để hiểu được con. Từ đó hướng con đến những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người chứ không chỉ là những hào nhoáng bên ngoài do thần tượng mang lại. Những cuộc đối thoại mở giữa các thành viên trong gia đình sẽ là liều thuốc đề kháng cho tất cả những vấn đề của con trong cuộc sống. Mỗi tuần cả nhà nên lập ra một “cuộc hẹn gia đình” cố định để chia sẻ tất cả những sự kiện hoặc vấn đề trong tuần đã xảy ra với mỗi người. Đây là dịp để bạn được nghe con nói và tâm sự với con của mình.

Khi trẻ tìm đến những thần tượng ảo điều đó một phần phản ánh đời sống tinh thần của trẻ hiện tại đang tồn tại nhiều vấn đề. Vì thế những hoạt động ngoài trời và trải nghiệm thực tế của cuộc sống biết đâu lại mang đến cho trẻ những bài học và giá trị sống đích thực. Hướng trẻ đến những thần tượng thực tế trong cuộc sống, gần gũi quanh mình như cha mẹ, ông bà, cô chú …Cùng trẻ tham gia những hoạt động dã ngoại ngoài trời, hoạt động tình nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời khốn khổ để tích góp cho bản thân những giá trị sống thực.

Trò chuyện cùng con về thần tượng

Khi biết con thần tượng ai, cha mẹ nên trò chuyện với trẻ như một người bạn. Hỏi trẻ về những điểm trẻ thích nơi thần tượng của mình. Nếu đó là những điểm tốt đáng học hỏi về nghị lực, giá trị sống hay bài học của thần tượng mang lại giúp trẻ vui thì không có lý do gì để cha mẹ phải ngăn cấm. Ngược lại, khi nhận thấy những điểm vô lý hoặc không tốt trong việc định hướng thần tượng của con thì cha mẹ nên tâm sự và giảng giải nhẹ nhàng như một người bạn thân giúp con hiểu ra vấn đề.

Và hãy nhớ rằng việc định hướng cho trẻ không phải là việc của tương lai mà phải bắt đầu ngay từ bây giờ trong mỗi gia đình. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ từng ngày bằng những điều tốt đẹp như một ngân hàng hạnh phúc luôn đong đầy bởi tình cảm gia đình.

Ngọc Phạm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]