Khi đạo đức suy đồi...

SKĐS - Đạo đức xuống cấp còn thể hiện ở cách hành xử thô bạo và vô văn hóa. Đây là căn bệnh nguy hiểm lây lan trong cộng đồng.

15.6149

Dư luận đang xôn xao vụ một nữ sinh lớp 7 vì lấy 2 quyển truyện mà bị nhân viên siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai ) trói hai tay bằng băng keo và bắt đeo tấm bảng tôi là người ăn trộm trước ngực.

Đạo đức xuống cấp còn thể hiện ở cách hành xử thô bạo và vô văn hóa.

Tội của em có đáng như vậy? Chỉ vì ham đọc sách, thấy 2 cuốn truyện hay, em đã trót lấy. Chúng ta không bênh vực hành vi này. Nhưng không thiếu những cách ứng xử có văn hóa để em hiểu ra sự dại dột của mình. Chẳng hạn, gọi riêng em lại nhắc nhở, thậm chí tặng luôn hai cuốn truyện đó. 20.000đ đáng là bao! Sự bao dung, cao thượng ấy sẽ là bài học cho em. Chắc chắn em sẽ thầm cảm ơn họ.

Tôi còn nhớ thời bao cấp, sách báo hiếm lắm. Thỉnh thoảng ở thư viện lại mất mấy tờ hay một hai quyển sách. Ông Phó phòng giáo dục đã nói, đại ý: "Dù thế nào chúng ta vẫn thấy mừng vì còn nhiều giáo viên thích đọc sách báo, ham hiểu biết. Đáng sợ nhất là thiên hạ quay lưng, rẻ rúng sách báo, xem thường tri thức". Với người lớn, người ta còn bao dung như vậy huống chi với một đứa trẻ. Trong khi nhiều học sinh chỉ mê các trò chơi điện tử thì vẫn còn nhiều em ham đọc sách, thích xem truyện. Mừng lắm chứ! Cho nên, có nhiều nơi đã phát động phong trào xây dựng tủ sách cho thiếu nhi nông thôn để đáp ứng sự ham thích tốt đẹp và chính đáng này của trẻ, nhất là trẻ miền núi, vùng sâu, vùng xa đang "đói" sách báo. Nhân cách con trẻ sẽ được góp phần hình thành từ đây.

Hành động ứng xử của các nhân viên siêu thị sách Vĩ Yên là sự bạo hành dã man và độc ác đáng bị lên án và phải nghiêm trị theo đúng luật pháp. Ảnh Internet.

Hành động ứng xử của các nhân viên siêu thị sách Vĩ Yên là sự bạo hành dã man và độc ác đáng bị lên án và phải nghiêm trị theo đúng luật pháp. Mục đích của họ là bêu riếu, làm nhục nữ sinh. Đây là vi phạm nhân quyền. Vết thương trên cơ thể do bị đánh đập rồi cũng sẽ khỏi, nhưng vết thương tinh thần do bị làm nhục như thế sẽ đeo đẳng, ám ảnh mãi trong tâm hồn non nớt của con trẻ. Thật ghê sợ! Đúng là kiểu hành hạ: "Giết nhau chẳng cái lưu cầu/ Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?" (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều). Cái u sầu, cái nỗi nhục ê chề và đau đớn có thể sẽ giết chết đứa trẻ! Bây giờ, nữ sinh này đang hoảng loạn, không muốn gặp ai. Rất may là nhà trường, bạn bè có cách ứng xử rất tình người. Gia đình, thầy cô và bạn bè cần là bờ vai quan trọng giúp em qua cơn sang chấn tâm lý này!

Mấy năm trước, chỉ vì nghi học trò lấy cắp 100.000 đồng mà cô giáo chủ nhiệm đã khám cặp và khám người nữ sinh này trước các bạn trong lớp. Không chịu nổi những cái nhìn ác cảm của bạn bè, em đã tự tử. May gia đình đã phát hiện đưa đi cấp cứu nên em thoát chết. Lại có một nam sinh bị cha mẹ đổ diệt lấy bánh xà phòng thơm đem bán nên đã treo cổ tự vẫn.

Cách ứng xử vô văn hóa, vô nhân đạo đang là căn bệnh nguy hiểm lây lan trong cộng đồng. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh những người lớn về thái độ ứng xử khi con trẻ mắc lỗi lầm. Chúng ta không lường hết được những hậu họa do mình gây ra cho các em.

Hiện nay, tình trạng suy đồi đạo đức trong một bộ phận dân chúng, trong đó có giới trẻ đang khiến dư luận xã hội lo lắng, bất bình. Người ta hành xử với nhau bằng luật rừng thay luật pháp. Nhân phẩm, tính mạng con người, luật pháp bị xem thường. Nạn bạo lực diễn ra trầm trọng từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội.

Khi tham gia giao thông, chỉ cần va chạm nhỏ, thay cho nụ cười thân thiện, người ta sẵn sàng gây gổ, đánh giết nhau. Số người chết vì tai nạn giao thông nhiều hơn cả đại dịch HIV/AIDS. Có lái xe bất nhân khi gây tai nạn, thấy người bị nạn chưa chết liền lùi xe cho chết hẳn để "đền một lần còn hơn phải nuôi dưỡng suốt đời"(!?).

Có nhiều vụ đánh ghen dã man khi lột quần áo, tạt axit tình địch. Học sinh, kể cả nữ sinh đánh nhau, tung clip lên mạng không hiếm. Chỉ vì mâu thuẫn vớ vẩn mà có học sinh giết bạn.

Nạn trộm cắp, cướp giật đang hoành hành khắp nơi, trở thành nỗi kinh hoàng với nhân dân. Những vụ án điển hình như Nguyễn Đức nghĩa, Lê Văn Luyện, vụ nhóm côn đồ do tên Trúc cầm đầu chặt tay cướp xe SH...

Thù nhau, người ta không từ một thủ đoạn hèn hạ nào để hãm hại nhau. Nạn côn đồ hung hãn đang lộng hành, kể cả ở nông thôn. Chỉ vì muốn độc chiếm gái làng mà nhiều tên giết thanh niên làng khác vì nghi tán gái làng mình.

Một nạn nhân bị tạt axít được đưa đi cấp cứu. Ảnh Internet.

Đạo đức gia đình cũng đáng báo động. Vì đất mà cha con, vợ chồng anh em từ mặt, thậm chí chém giết lẫn nhau. Không ít án mạng đã xảy ra. Có những đứa con cháu hư hỏng đã giết ông bà, cha mẹ mình dã man. Có nhiều người làm cha mẹ đã đánh đập như đòn thù, như Đỗ Doãn Lợi đã dùng điếu cày đánh con trai là cháu Lộc đến chết. Có người mẹ vì gặp những bế tắc mà muốn tìm đến cái chết, nhưng lại bắt con phải chết theo. Cứ mỗi mùa thi, lại có những học trò không đỗ đại học, bị cha mẹ lăng mạ, nhiếc móc đã dại dột tìm đến cái chết. Còn đau xót nào hơn! Mới rồi, hàng loạt mẹ kế đánh đập con chồng dã man khiễn dư luận phẫn nộ.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Người yêu người, sống để yêu nhau". Một thời, tình người thật đầm ấm, tình đời vô cùng nhân hậu. Người ta sẵn sàng sống vì nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Nhưng thật buồn, giờ nhân tình thế thái đã thay đổi. Chủ nghĩa thực dụng là mầm mống của thói ích kỷ đang ngự trị trong lối sống của một bộ phận cộng đồng. Nhiều người thành nô lệ của đồng tiền mà quên đi tình người, danh dự và nhân phẩm. Một số người Việt học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã ăn cắp, hay buôn bán hàng ăn cắp đang làm nhục quốc thể...

Những cách ứng xử vô cảm đến mức tàn độc, dã man của người lớn với người lớn, người lớn với con trẻ, suy cho cùng đều xuất phát từ sự suy thoái đạo đức một cách trầm trọng. Bao năm qua, chúng ta xem nhẹ giáo dục dân đức và dân trí. Giáo dục gia đình cũng không được coi trọng. Nhiều chuẩn mực đạo đức đang méo mó. Đạo đức suy đồi còn do một nguyên nhân không thể xem thường là pháp luật xử lý không nghiêm, nhất là các vụ trọng án nên không đủ sức cảnh tỉnh, răn đe.

Đó là nỗi lo của toàn xã hội!

Trịnh Thị Thuận

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về [email protected]. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]