Khí dung trong điều trị bệnh tai mũi họng

Khí dung là phương pháp điều trị tại chỗ được sử dụng khá hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý tai mũi họng. Mục đích của khí dung là đưa thuốc trực tiếp vào các hốc mũi, xoang, họng, thanh quản…

15.5822

Tôi bị viêm mũi lâu ngày, tự điều trị tại nhà không khỏi mà bệnh có xu hướng nặng lên. Đi khám tại bệnh viện, bác sĩ cho khí dung mũi họng và tôi cảm thấy rất dễ chịu. Xin quý báo cho biết rõ hơn về phương pháp này và tôi có thể mua máy và thuốc về nhà tự làm được không?

Nguyễn Thị Hoa (Hà Nam)

Khí dung là phương pháp điều trị tại chỗ được sử dụng khá hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý tai mũi họng. Mục đích của khí dung là đưa thuốc trực tiếp vào các hốc mũi, xoang, họng, thanh quản… dưới dạng những hạt thuốc rất nhỏ, để điều trị tại chỗ các bệnh như viêm mũi cấp tính, mạn tính, viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản… Trước khi sử dụng khí dung, cần vệ sinh sạch sẽ mũi, họng.

Hiện nay, tại các cơ sở y tế thường dùng phối hợp các loại thuốc: kháng sinh (thường là gentamycine, chloraphenicol), kháng viêm (chủ yếu là các thuốc nhóm corticoit như hydrocortisone), tinh dầu, thuốc co mạch… trong khí dung điều trị các bệnh tai mũi họng.

Điều trị khí dung cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân đang mang thai, đang cho con bú, hoặc có tiền sử dị ứng với các loại thuốc trên thì tuyệt đối không được dùng. Người bệnh tăng huyết áp thì không được dùng các thuốc corticoit, thuốc co mạch… Chính vì vậy, không nên áp dụng một đơn thuốc cho nhiều người hoặc tự điều trị vì có thể xảy ra tai biến nguy hiểm.

Thông thường một đợt khí dung điều trị bệnh không nên kéo dài quá 1 tuần, sau đó cần tái khám để kiểm tra lại tình trạng bệnh lý. Trường hợp tự điều trị kéo dài sẽ có những tác dụng phụ của thuốc như gây độc cho thận, suy gan, điếc, bệnh gân xương… Nguyên nhân chính là do dùng kéo dài các loại thuốc trong khí dung như gentamycine dùng liều cao, thời gian dài có thể gây điếc, chloraphenicol dùng cho trẻ em sẽ gây suy tủy, corticoit dùng kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ toàn thân như giữ nước, suy tuyến thượng thận.

Ngoài ra, nếu tự điều trị có thể xảy ra những tác dụng phụ ngay sau khí dung như kích thích mũi gây cảm giác bỏng, rát, hắt hơi, ngạt tắc mũi do phản ứng giãn mạch khi dùng lượng thuốc co mạch nhiều, loét niêm mạc mũi gây chảy máu…

Bác sĩ Minh Hằng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]