Khi khoa học tâm lý lên ngôi

Mô tảLấy kết quả sau 4 trận đấu tứ kết của một kỳ World Cup tổ chức bên ngoài châu Âu và Nam Mỹ mà xét, thì đúng là hiện tại châu Âu đã vượt lên Nam Mỹ. Đó cũng là bất ngờ lớn nhất của World Cup tại Nam Phi lần này.

0
Messi (trái) đã bị vô hiệu hóa bởi “mạng nhện” Đức - Ảnh: Reuters

Hầu như trước giải, và khi giải đi nửa đường, những nhà chuyên môn, các nhà cái đều có chung dự đoán World Cup năm nay sẽ là một World Cup của Nam Mỹ. Nhưng những cuộc lật đổ lớn nhất đã bắt đầu từ vòng tứ kết khi Hà Lan, Đức rồi Tây Ban Nha lần lượt tiễn các đội bóng Nam Mỹ (Brazil, Argentina, Paraguay) về nước. Bây giờ, chỉ còn lại duy nhất đại diện Nam Mỹ - đội đã từng lấy vé vớt ở vòng loại - Uruguay là có mặt trong số 4 đội mạnh nhất. Đó cũng là một “bất ngờ Nam Mỹ” ngoài mọi dự đoán. Bởi vì ai cũng chăm chăm vào Brazil và Argentina, thậm chí có nhiều dự đoán trận chung kết sẽ diễn ra giữa hai đội bóng lớn nhất Nam Mỹ này. Cũng có những ý kiến dự đoán khả năng vô địch nghiêng về đội Đức, nhưng “nhất quyết” Đức thắng thì chỉ có chú bạch tuộc ở một viện hải dương học của Đức “phát biểu” mà thôi.

Tuy nhiên bây giờ, sau những trận cầu đầy bất ngờ song cũng rất thuyết phục đã diễn ra, ta chỉ có thể nói rằng: châu Âu đã chuẩn bị cho World Cup lần này tốt hơn Nam Mỹ. Cụ thể, Đức và Hà Lan (chứ chưa phải Tây Ban Nha) đã chuẩn bị rất tốt không chỉ về tích lũy thể lực cho cầu thủ, chiến thuật và sự phân phối đường dài cho đội bóng, mà quan trọng hơn, họ đã có những nghiên cứu rất cặn kẽ về những đối thủ - nhất là những đối thủ Nam Mỹ - mà họ sẽ giáp mặt. “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng” - đó là một đúc kết của khoa học chiến tranh, nhưng cũng hoàn toàn đúng với khoa học bóng đá. Những nghiên cứu về tâm lý là hết sức cần thiết cho mỗi trận bóng. Có lẽ, Nam Mỹ đã đi sau châu Âu về việc nghiên cứu này, nên qua hai trận Brazil - Hà Lan, và nhất là trận Argentina - Đức, người xem thấy rõ vai trò của tâm lý đã có ảnh hưởng lớn đến thế nào tới cục diện và kết quả trận đấu.

Joachim Loew đã kế thừa cách tiếp cận bóng đá từ khoa học của Klinsmann, và đã đi xa hơn bậc đàn anh của mình khi “xử lý trường hợp” Argentina nói chung và Messi nói riêng. “Chúng tôi biết Messi sẽ không nhô cao như mọi khi mà lui sâu xuống tuyến tiền vệ nên đã hầu như loại bỏ được cậu ấy khỏi trận đấu mà không cần dùng tiểu xảo hay phạm lỗi”, Loew nói như vậy. Đúng là Messi đã mất hút trong trận này, thỉnh thoảng anh xuất hiện thì chỉ là những cố gắng đi bóng trong tuyệt vọng. Messi chỉ kết nối được với những đồng đội là tiền vệ phòng ngự nên rất khó phát triển bóng, và luôn bị “mạng nhện” Đức bao quanh, một thứ “quyền lực mềm” nhưng không thể thoát ra. Nhìn Argentina không biết cách nào để đưa bóng lên phần sân đối phương, ta mới thấy hết sức mạnh của lối chơi phong tỏa và gây áp lực toàn sân rất khoa học mà đội tuyển Đức áp dụng. Còn với Brazil, thì những người Hà Lan đã “kích nổ” được tính tự cao, dễ nổi nóng khi thấy đối thủ nhảy múa trước mình, cũng như sự hoảng loạn khi thấy lối chơi của mình bị bắt bài. Có thể nói khoa học tâm lý đã lên ngôi ở World Cup lần này, và đó là một trong những nhân tố quan trọng giúp các đội bóng châu Âu tìm được chiến thắng.

Nhà thơ Thanh Thảo

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]