Khi nào cần bổ sung vitamin PP?

Vitamin PP còn có tên là nicotinamid. Trong cơ thể, vitamin PP được tạo thành từ acid nicotinic và một phần tryptophan trong thức ăn được ôxy hóa tạo thành acid nicotinic và sau đó thành vitamin PP.

15.6201

(SKDS) - Vitamin PP còn có tên là nicotinamid. Trong cơ thể, vitamin PP được tạo thành từ acid nicotinic và một phần tryptophan trong thức ăn được ôxy hóa tạo thành acid nicotinic và sau đó thành vitamin PP. Vitamin PP và acid nicotinic là vitamin nhóm B, tan trong nước, có trong nhiều thực phẩm như nấm men, thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh và các hạt ngũ cốc.

Trong cơ thể, vitamin PP có vai trò sống còn trong chuyển hóa, như một coenzym xúc tác phản ứng ôxy hóa - khử cần thiết cho hô hấp tế bào, phân giải glycogen, và chuyển hóa lipid. Vì vậy vitamin PP được bổ sung vào khẩu phần ăn khi khẩu phần ăn thiếu hụt chất này. Ví dụ, trong ngũ cốc, và chế độ ăn thiếu protein có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin PP cho cơ thể hoặc trong những trường hợp cơ thể có nhu cầu về vitamin PP tăng (như ở bệnh cường tuyến giáp, đái tháo đường, xơ gan, trong thời gian mang thai và cho con bú…) có thể cần thiết phải bổ sung vitamin PP.

 Các loại thực phẩm giàu vitamin PP.
Ngoài ra, khi thiếu vitamin PP có thể gây ra bệnh Pellagra, hoặc khi điều trị bằng thuốc chống lao isoniazid cũng có thể gây thiếu hụt vitamin PP. Tuy nhiên khi thiếu vitamin PP có thể xảy ra cùng với sự thiếu các vitamin phức hợp B khác. Các cơ quan bị ảnh hưởng chủ yếu do thiếu hụt vitamin PP là đường tiêu hóa, da và hệ thần kinh trung ương. Việc bổ sung vitamin PP sẽ làm mất các triệu chứng do thiếu hụt gây ra.
 
Ví dụ, những triệu chứng đỏ và sưng lưỡi ở người bị bệnh pellagra sẽ hết trong vòng 24 - 72 giờ sau khi dùng thuốc này. Triệu chứng tâm thần, nhiễm khuẩn miệng và các màng nhầy khác sẽ hết nhanh chóng. Triệu chứng ở đường tiêu hóa sẽ hết trong vòng 24 giờ. Không dùng thuốc cho các trường hợp dị ứng với thuốc, loét dạ dày tiến triển, hạ huyết áp nặng…
 
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Khi dùng liều nhỏ vitamin PP thường không gây độc, nhưng nếu dùng liều cao như trong trường hợp điều trị bệnh Pellagra, có thể xảy ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, đỏ bừng mặt ở cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da... hoặc loét dạ dày tiến triển, chán ăn, đau khi đói, đầy hơi hoặc khô da, tăng sắc tố, vàng da... Những tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngừng thuốc.
 
Ðể hạn chế tác dụng phụ đó, nên uống thuốc cùng với thức ăn, tăng liều từ từ, hoặc dùng dạng thuốc giải phóng hoạt chất kéo dài. Cần ngừng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc ngay nếu người bệnh thấy triệu chứng giống như cúm (buồn nôn, nôn, nói chung cảm thấy không khoẻ), giảm lượng nước tiểu và nước tiểu có mầu sẫm, khó chịu ở cơ như: sưng, mềm hoặc yếu cơ, nhịp tim không bình thường, hoặc nhìn mờ, u ám.      

  Dược sĩ Hoàng Thu Thủy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]