Khi nào cần tiêm insulin?

Tôi năm nay 62 tuổi, bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) khoảng hơn 10 năm nay, thời gian vừa qua có hiện tượng đường huyết không ổn định mặc dù tôi chấp hành nghiêm hướng dẫn của bác sĩ.

0

Tôi năm nay 62 tuổi, bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) khoảng hơn 10 năm nay, thời gian vừa qua có hiện tượng đường huyết không ổn định mặc dù tôi chấp hành nghiêm hướng dẫn của bác sĩ. Tôi đi khám được bác sĩ chỉ định cho dùng insulin đường tiêm. Tôi nghe nói insulin chỉ dùng cho ĐTĐ ở người trẻ, vậy khi nào thì dùng cho những người như tôi? Tôi xin cảm ơn.

Nguyễn Phương Huyền (Bắc Giang)

Cho tới nay chưa có khả năng chữa khỏi bệnh ĐTĐ và nếu không điều trị, quản lý tốt, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Cũng có thể phòng ngừa được ĐTĐ bằng cách thay đổi hành vi, lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

Có nhiều thuốc được sử dụng để điều trị ĐTĐ, trong đó có insulin. Insulin là một protein gồm 51 acid amin, có hai chuỗi polypeptid A và B. Đây là một hormon có tác dụng làm giảm đường máu do tế bào b của tụy tiết ra liên tục suốt 24 giờ trong ngày. Ngoài ra, insulin còn được tiết theo nhu cầu từng lúc của cơ thể, sự tăng đường máu sẽ kích thích tụy sản xuất insulin, nhất là tăng đường máu sau các bữa ăn. Insulin bị phá huỷ ở đường tiêu hoá, do vậy phải dùng theo đường tiêm.

Thông thường insulin được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ĐTĐ phụ thuộc insulin (ĐTĐ týp 1 - hay gặp ở người trẻ). Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định cũng được chỉ định sử dụng trong điều trị ĐTĐ không phụ thuộc insulin (ĐTĐ týp 2 - hay gặp ở người già). Do đó trong ĐTĐ týp 2, insulin được chỉ định khi:

- Có thể ceton niệu.

- Đường huyết tăng khó kiểm soát bằng chế độ ăn, thuốc uống.

- ĐTĐ týp 2 nhưng thể trạng không béo.

- Không kiểm soát được sự giảm cân và tăng đường huyết.

- Thất bại trong điều trị với sulfonylurea.

- Rối loạn mỡ máu, đặc biệt tăng triglycerid không đáp ứng với chế độ ăn và thuốc hạ mỡ máu.

- Bệnh lý cấp tính kèm theo, biến chứng cấp tính, phẫu thuật.

- Suy gan thận, bệnh lý mạch máu ở người ĐTĐ nặng (mắt, tim, thận, não, tắc mạch chi...).

Tác dụng không mong muốn khi dùng insulin

Hạ đường huyết: Thường gặp khi tiêm insulin quá liều, hoặc tiêm insulin xong nhưng ăn muộn gây vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, co giật, thậm chí hôn mê.

Dị ứng: Có thể xuất hiện sau khi tiêm lần đầu hoặc sau nhiều lần tiêm insulin, tỷ lệ dị ứng nói chung thấp.

Phản ứng tại chỗ tiêm: ngứa, đau, cứng hoặc u mỡ vùng tiêm.

Tuy nhiên, việc lựa chọn insulin, liều lượng insulin, phối hợp với loại thuốc hạ đường huyết nào phải tuỳ thuộc từng bệnh nhân cụ thể, không có công thức chung cho tất cả các bệnh nhân. Do vậy, bạn nên yên tâm và tuân thủ triệt để phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đề ra.

ThS. Nguyễn Thu Hiến

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]