Khi nào dùng colchicin điều trị bệnh gút?

Trong điều trị bệnh gút, colchicin là thuốc được chọn dùng để làm giảm đau trong các đợt gút cấp và dùng để chẩn đoán viêm khớp do gút, phòng tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày bệnh gút.

15.5528

Báo Đất Việt cho hay, các thuốc điều trị gút cấp tính có colchicin là đặc hiệu nhất, ngoài ra còn có phenylbutazon, indometacin hoặc corticoid. Điều trị gút mạn tính dùng các thuốc làm tăng thải trừ acid uric như alopurinol, probenecid, sunfinpyrazol.

Colchicin là alcaloid của cây Colchicum antumnale. Thuốc có dạng bột vô định hình, vàng nhạt, không mùi. Thuốc có tác dụng đặc hiệu cơn gút cấp tính, cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng. Thuốc không có tác dụng giảm đau và chống viêm khớp (trừ gút cấp), không làm tăng thải acid uric và rất ít tác dụng làm hạ acid uric máu.

Trong thực nghiệm tiêm tinh thể urat vào khớp đã gây được các cơn gút cấp tính điển hình, trong khi tiêm urat vô định hình không gây được cơn như thế. Tác dụng gây viêm của tinh thể urat có kèm theo hiện tượng thực bào, colchicin đã giới hạn được hoạt động thực bào của bạch cầu đa nhân và ngăn cản các bạch cầu lympho trưởng thành xuất hiện trong máu, vì vậy phong tỏa được phản ứng viêm này.

Ngoài ra, colchicin còn có tác dụng làm ngừng phân bào ở giai đoạn tiền kỳ, biến kỳ, làm tăng sức bền thành mạch và hủy phó giao cảm.

Tác dụng của colchicin xuất hiện sau 2-3 giờ, có thể dùng cho đến khi hết đau (2-3 ngày) hoặc bắt đầu có rối loạn tiêu hóa.

Tác dụng phụ của colchicin thường là rối loạn tiêu hóa hay gặp, khi dùng liều cao thuốc ức chế tủy xương, viêm dây thần kinh ngoại biên và vô niệu.

Dùng colchicin trị bệnh gút: Khi nào?

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, gút là một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất. Bệnh gút xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể. Việc tích tụ axit uric có thể dẫn đến các tinh thể axit uric sắc nhọn lắng đọng lại ở các khớp, thường ở ngón chân cái gây đau, tấy đỏ, sưng, nóng và cứng khớp.

Các lớp axit uric lắng đọng (được gọi là sạn urat) trông giống như những cục u dưới da, và có thể gây sỏi thận từ các tinh thể axit uric trong thận.

Trong điều trị gút, colchicin là thuốc được chọn dùng để làm giảm đau trong các đợt gút cấp và dùng để chẩn đoán viêm khớp do gút (nếu có đáp ứng với trị liệu bằng colchicin thì chứng tỏ là có tinh thể urat vì tinh thể này khó bị phát hiện, nhất là khi chỉ bị ở các khớp nhỏ), phòng tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày bệnh gút. Thuốc còn được dùng phối hợp với probenecid để tăng khả năng dự phòng.

Khi dùng để điều trị gút, liều lượng, cách dùng và thời gian dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không được dùng thuốc cho người mang thai, người bệnh suy gan, thận nặng, người có nguy cơ bị glôcôm góc hẹp bị bí tiểu.

Đối với người mắc bệnh tim, bệnh gan, thận hay bệnh tiêu hóa, bệnh nhân cao tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc do tích tụ thuốc. Không được tiêm colchicin vào cơ thể theo đường dưới da hay tiêm bắp vì sẽ gây đau nhiều ở chỗ tiêm.

Nên đọc

Colchicin được đào thải qua sữa mẹ. Người ta chưa thấy trẻ bị ngộ độc qua đường sữa nhưng người mẹ có thể tránh làm nồng độ thuốc cao trong sữa bằng cách uống thuốc vào buổi tối trước khi ngủ và cho con bú sau 8 giờ.

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi uống colchicin là buồn nôn, nôn, đau bụng, và tiêu chảy. Với liều cao gây tiêu chảy nặng, chảy máu dạ dày - ruột, nổi ban, tổn thương thận. Cần ngừng dùng colchicin nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trên vì đó là các dấu hiệu báo động sớm về khả năng có thể sẽ bị ngộ độc nặng hơn.

Trị liệu chỉ được tiếp tục khi hết các triệu chứng trên và thường sau 24 - 48 giờ. Có thể dùng các thuốc chống tiêu chảy hay thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị tiêu chảy do colchicin gây ra.

Khi điều trị dài ngày, cần theo dõi đều đặn xem người bệnh có bị tác dụng phụ của thuốc hay không, kiểm tra đều đặn các tế bào máu, công thức bạch cầu. Khi có các tác dụng phụ thì phải hiểu đó là dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc. Nên ngừng dùng colchicin hoặc phải giảm liều.

Ngoài các tác dụng phụ trên thuốc có thể gây viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu (trị liệu dài ngày), giảm tinh trùng (hồi phục được), tuy nhiên những tác dụng phụ này ít gặp hơn.

Thuốc tham khảo: Allopurinol Stada 300mg

- Giảm sự hình thành urat/acid uric trong những bệnh cảnh gây lắng đọng urat/acid uric (như viêm khớp do gút, sạn urat ở da, sỏi thận) hoặc nguy cơ lâm sàng có thể dự đoán trước (như việc điều trị khối u ác tính có khả năng dẫn đến bệnh thận cấp do acid uric).
- Điều trị sỏi thận do 2,8-dihydroxyadenin (2,8-DHA) liên quan đến tình trạng thiếu hụt hoạt tính của adenin phosphoribosyltransferase.
- Điều trị sỏi thận calci oxalat hỗn tạp tái phát gặp trong chứng tăng uric niệu khi chế độ ăn uống và các biện pháp tương tự thất bại.

Thùy Linh

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]