Khi người già mắc bệnh

Bệnh ở người cao tuổi thường có nhiều điểm rất khác so với người trẻ, với biểu hiện không rõ ràng và diễn tiến thất thường.

15.5967

"Có những lần, bệnh nhân đang đi lại bình thường, đang ngồi chờ ở khoa khám bệnh thì bỗng dưng gục xuống, phải chuyển hẳn vào khoa cấp cứu. Còn có những ca nhồi máu cơ tim thì hoàn toàn không có biểu hiện gì rõ ràng trước đó, bệnh nhân không cảm thấy khác lạ nên khi vào đến bệnh viện (BV) thì tình trạng đã nặng…" - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Thống Nhất, kể lại.

Đa bệnh lý

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Tuyết Lan của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Thống Nhất cho biết: "Khác với người trẻ, người cao tuổi thường không chỉ mang một bệnh mà là nhiều bệnh kèm theo nên đòi hỏi việc theo dõi bệnh phải ở nhiều mặt. Bệnh ở người già cũng dễ có biến chứng, tai biến hơn so với người trẻ".

Người già thường có nhiều bệnh nên việc chữa trị khó khăn
 
BS Thành cho biết thêm: "Nhiều người lớn tuổi mỗi lần đến phòng khám phải đi qua rất nhiều chuyên khoa, thường gặp nhất là các nhóm bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh…, vì thế BV phải triển khai lấy số tự động, rồi chỉ với 1 số đã lấy, người bệnh sẽ được sắp xếp "hành trình" khám bệnh qua nhiều khoa khác nhau".
 
Theo BS Thành, một đặc điểm đáng lo ngại nữa của bệnh người già là các biểu hiện về mặt lâm sàng thường rất đa dạng, nhiều khi không rõ ràng. Ví dụ như khi bị nhồi máu cơ tim, người trẻ dễ dàng cảm thấy đau ở vùng ngực trái, từ biểu hiện này, họ sẽ được đưa đi cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người già cũng bị nhồi máu cơ tim mà biểu hiện rất ít, thậm chí hoàn toàn không cảm thấy gì khác lạ, hậu quả là khi phát hiện thì đã trễ.

Theo BS Thành, ở người lớn tuổi sự đáp ứng miễn dịch đã suy giảm, độ nhạy của các tế bào cũng giảm khiến họ dễ mắc bệnh nhưng đôi khi lại không cảm nhận rõ sự thay đổi của cơ thể. Nhiều trường hợp, do bị mắc nhiều bệnh cùng lúc nên họ lầm tưởng cơn đau, sự khó chịu của bệnh này là do một bệnh khác, dẫn đến chậm trễ điều trị căn bệnh thực tế đang gây ảnh hưởng đến họ. Sự suy giảm miễn dịch và độ nhạy của các tế bào cũng khiến đáp ứng điều trị ở người lớn tuổi chậm hơn và dễ bị phản ứng phụ, ngộ độc do thuốc men hơn.

Cần người thân hỗ trợ

Theo ĐD Ngô Thị Thủy, Khoa Khám bệnh cán bộ và BHYT, nhiều người lớn tuổi đến khám bệnh lại gặp phải tình trạng quên dùng thuốc, dùng quá liều, chồng chéo thuốc. "Người cao tuổi hay gặp phải sự suy giảm về trí nhớ nên dễ quên uống thuốc nếu không được người thân nhắc nhở. Có người đến ngày tái khám đem đến… trả một mớ thuốc chưa dùng.
 
Trái lại, nhiều người chưa đến ngày tái khám đã đến để được cho thêm thuốc, vì nhiều lần họ uống rồi mà cứ ngỡ chưa. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi khác lại có tâm lý lo sợ, không tin tưởng ở liều thuốc mình được cho nên còn đi khám bệnh thêm ở một số BV, phòng khám khác, rồi khám cả đông y… Sau đó đem về một lúc nhiều toa thuốc và họ cứ dùng tất cả các toa ấy một lúc cho… chắc ăn. Điều này rất nguy hiểm vì rất dễ dẫn đến tương tác thuốc bất lợi hay nặng hơn là ngộ độc".

Sự "hay quên" của người già cũng thường dẫn đến tình trạng khai không đầy đủ các bệnh lý. "Ví dụ, có người hôm trước đến khám vì đau khớp, đã được cho thuốc, hôm sau lại đến khám vì đau dạ dày nhưng quên cho BS biết là vừa được khám và kê toa để trị bệnh khớp. BS mỗi ngày khám cho hàng ngàn bệnh nhân, chưa kể người trực khám bệnh hôm nay không phải là người của hôm qua, nên không cách gì nhớ giùm bệnh nhân được, dẫn đến nguy cơ bệnh nhân có thể gặp những tương tác bất lợi từ 2 toa thuốc kê riêng lẻ" - điều dưỡng Thủy cho biết.

Theo BS Thành, để hạn chế các tình trạng trên, tốt nhất là người thân phải hỗ trợ người cao tuổi trong khám chữa bệnh, như đi khám bệnh cùng hoặc giúp họ ghi chép lại việc khám chữa bệnh, lịch uống thuốc. Sự hỗ trợ của người thân là đặc biệt quan trọng trong việc điều trị các bệnh lão khoa.

Thay đổi lối sống

Theo BS Nguyễn Văn Thành, nguyên nhân gây bệnh ở người cao tuổi thuộc 2 nhóm: Có thể kiểm soát và không thể kiểm soát. Nhóm không thể kiểm soát bao gồm độ tuổi, di truyền… Để ngăn ngừa và giảm bớt các bệnh và biến chứng do bệnh ở người cao tuổi, cần tập trung vào nhóm có thể kiểm soát để loại bỏ bớt các yếu tố nguy cơ: kiểm soát thói quen về ăn uống, tránh lối sống thiếu vận động, tránh stress, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý...

AloBacsi.vn
Theo Người lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]