Khi xuất khẩu đang có dấu hiệu chững

Việt Nam không thể “miễn nhiễm” trước tác động của cuộc khủng hoảng tại Mỹ, trước tiên về thương mại...

15.5482

Hy vọng tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn trông vào nhóm hàng công nghiệp - Ảnh: TT.

Việt Nam không thể “miễn nhiễm” trước tác động của cuộc khủng hoảng tại Mỹ, trước tiên về thương mại.

Đó là lời cảnh báo của ông Supachai Panitchpakdi, Tổng thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai, diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Hệ lụy khủng hoảng

Theo ông Supachai Panitchpakdi, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm bởi hệ luỵ lan toả ở cấp độ toàn cầu của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, khả năng duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam trong những tháng cuối năm và cả năm 2009 có thể bị ảnh hưởng.

Do vậy, các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần cố gắng đa dạng hơn nữa đối tác thương mại, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống, khi mà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Việc người tiêu dùng các nước này đang cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù cơ cấu xuất khẩu hàng hoá theo thị trường của Việt Nam trong 9 tháng qua có sự thay đổi, ASEAN đã trở thành đối tác lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn được xem là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.

Nhiều dự báo của các chuyên gia trong nước cũng cho rằng, sang năm 2009, nhiều khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn do nền kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới cầu nhập khẩu của nước này.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị trong việc ký kết các hợp đồng thương mại sang Mỹ cho năm 2009, các doanh nghiệp nên chủ động đàm phán với các đối tác để nâng giá xuất khẩu, tránh những thiệt hại do giá thấp gây ra.

Đối với thị trường EU, nhiều nền kinh tế trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và hiện tại EU đang áp dụng một số biện pháp hạn chế thương mại đối với một số mặt hàng như: thuế chống bán phá giá đối với giày mũi da, cắt giảm ưu đãi thuế quan phổ cập đối với một số mặt hàng.

Do đó, các hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thị trường này cũng không phải sẽ “xuôi chèo, mát mái”.
 
Hơn nữa, hàng hoá Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hoá của những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia...

Dấu hiệu suy giảm

Cho dù kết quả xuất khẩu trong tháng 9 vẫn đạt khá cao, đạt 5,3 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đạt tới 48,6 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, nhưng những dấu hiệu suy giảm đã bắt đầu lộ diện.

So với kim ngạch xuất khẩu tháng trước, tháng 9 này đã giảm 11,9% do lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng giảm; trong đó dầu thô giảm 279 nghìn tấn, kim ngạch giảm 394 triệu USD; hàng dệt may giảm 101 triệu USD; giày dép giảm 72 triệu USD; gạo tuy tăng 39 nghìn tấn nhưng giá trị giảm 39 triệu USD; thuỷ sản giảm 33 triệu USD.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu loại trừ yếu tố giá thì giá trị xuất khẩu thực chất từ đầu năm đến nay và cho cả năm 2008 tăng không nhiều.

Trong số những nhóm ngành hàng xuất khẩu quan trọng thì có tới 2 nhóm hàng nông lâm hải sản và nhóm khoáng sản khó có sự tăng trưởng về lượng trong lúc giá thế giới lại đang xuống rất mạnh.

Giá gạo thế giới đang giảm mạnh, thậm chí chỉ còn một nửa. Giá dầu thô thế giới đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng so với lúc cao nhất là 147 USD/thùng. Mặt hàng than đá đang được tổ chức quản lý lại và con số 32 triệu tấn than xuất khẩu của năm trước đã khép lại những năm xuất than nhộn nhịp của Việt Nam.

Như vậy, hy vọng tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn trông vào nhóm hàng công nghiệp. Trong đó dệt may sẽ vượt chỉ tiêu 9,5 tỷ USD nhưng da giày đang gặp khó khăn do việc EU thôi cấp ưu đãi cho da giày Việt Nam. Một số mặt hàng được kì vọng tăng trưởng mạnh thì đang chững lại. Đó là điện tử và linh kiện, đồ gỗ, dây cáp điện...

Ngoài khó, trong cũng khó

Ngoài ra, một loạt khó khăn cho sản xuất xuất khẩu chậm được khắc phục. Đó là vấn đề thiếu điện cho sản xuất, đó là việc vốn vay vẫn chịu lãi suất cao quá mức chịu đựng của doanh nghiệp.

Mặc dù các ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất, tuy nhiên để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng trong lúc này là bài toán quá khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, chưa nói đến lãi suất thấp hay cao. Trong khi đó, với các doanh nghiệp sản xuất trong ngành da giày, dệt may xuất khẩu thường phải ký đơn hàng từ đầu năm hoặc trước 2 quý.

Có thể thấy, nếu trước đây giá trị tài sản đảm bảo được định giá 80% thì cho vay ra khoảng 40-60%, nhưng nay chỉ được 30-40%. Như vậy, giá trị tài sản đảm bảo được định khắt khe hơn và hạn mức tín dụng cung ứng của ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp lại giảm xuống.

Mặt khác, ngân hàng cũng có những quy định gắt gao hơn trong cho vay, chỉ đáp ứng vốn cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh hiệu quả, khả năng tài chính mạnh, khả năng trả nợ cao, với mục tiêu hạn chế nợ khó đòi...

Dù sao cũng phải thừa nhận rằng trong lúc thế giới còn nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực có mức tăng trưởng khiêm tốn thì kết quả tăng xuất khẩu tới 39% của Việt Nam là đáng trân trọng.

Nếu giữ nguyên nhịp độ này thì năm 2008 này kim ngạch xuất khẩu có thể không dừng lại ở con số 62 tỷ USD. Tuy nhiên, việc đạt chỉ tiêu xuất khẩu 62 tỷ USD cũng không phải là chuyện dễ.... như trở bàn tay!
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]