Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang lấy ý kiến cộng đồng DN có quy định về siết tình trạng “vốn mỏng”. Có nhiều luồng quan điểm xoay quanh vấn đề này.


Quản lý việc cho DN vay vốn bao nhiêu lần, an toàn hay không an toàn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các ngân hàng. Ảnh: HTD

Một vốn cõng bốn lần vay

Không hạn chế, không cấm DN vay gấp bao nhiêu lần vốn, tuy nhiên theo dự thảo, chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu sẽ không được trừ ra khi xác định thu nhập chịu thuế. Hiểu nôm na là khoản chi phí trả lãi vay này không được xem là chi phí hợp lý. Riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỉ lệ này là 10 lần. Nếu ngành, lĩnh vực, DN nào đã có quy định của pháp luật về tỉ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng sẽ không hợp lý khi không cho DN đưa phần tiền lãi vào chi phí hợp lý.

Ông nhấn mạnh: “Quản lý việc cho DN vay vốn bao nhiêu lần, an toàn hay không an toàn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các ngân hàng. Nếu các ngân hàng xét thấy DN làm ăn có lãi, dự án kinh doanh tốt, đủ khả năng trả nợ thì cứ cho vay. Ngân hàng thẩm định sai, cho vay không thu hồi được nợ là do nghiệp vụ, ngân hàng chịu trách nhiệm với việc kinh doanh của mình. Nếu thấy cần an toàn về tín dụng thì nên có hẳn chính sách thẩm định tỉ lệ vay trên vốn, không cho phép ngân hàng cho DN vay vượt một tỉ lệ nào đó, như vậy mới quản được tận gốc.

Siết để chống… lách thuế

Theo tờ trình về dự thảo luật này, “nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN và cũng là một trong những yếu tố gây thất thu ngân sách nhà nước. Việc sử dụng vốn vay càng nhiều dẫn tới chi phí tiền lãi phải trả càng tăng, theo Luật Thuế TNDN hiện hành thì khoản lãi tiền vay này được tính vào chi phí hợp lý, do đó số thuế giảm đi, làm giảm thu ngân sách”.

Quy định trên được giải thích trong tờ trình là nhằm “đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho DN và cho nền kinh tế, chống chuyển giá”.

Trong bản báo cáo kinh nghiệm quản lý thuế ở một số nước cũng chỉ ra nhiều quốc gia có quy định về vốn mỏng và không chấp nhận chi phí hợp lý phần lãi trả cho phần vốn vay vượt quá tỉ lệ nhất định (xem box).

Gây khổ chứ không làm dày vốn

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết hàng chục năm trước đã có quy định về “vốn mỏng” nhưng chỉ áp dụng cho DN đầu tư nước ngoài. Cụ thể, phần lãi trả cho phần vốn vay vượt quá 234% vốn pháp định của DN thì không được tính vào chi phí hợp lý. Tuy nhiên, quy định này về sau đã bị bỏ đi.

Về góc độ “chống chuyển giá”, luật sư Xoa phân tích có tình trạng công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con tại Việt Nam vay vốn, cho vay hết năm này qua năm khác chứ không chịu tăng vốn cho công ty con. Phần lãi trả cho công ty mẹ, giả sử là 100 triệu đồng thì chỉ chịu thuế nhà thầu hiện là 5%, tương đương 5 triệu đồng. Trong khi đó, DN được tính vào chi phí hợp lý, không phải nộp thuế TNDN cho phần chi phí này. Nếu không cho trừ vào chi phí hợp lý nữa thì DN phải nộp thuế TNDN là 25%, tương đương 25 triệu đồng cho phần lãi này. Nhờ đó Nhà nước có thể thu thêm 20 triệu đồng so với hiện nay.

Ông cũng phân tích biện pháp mà dự thảo đưa ra về bản chất là biện pháp thu thêm thuế. DN ta lâu nay đã vốn quá mỏng. Chính sách siết vốn mỏng như trên không giải quyết được tình trạng an toàn vốn, bởi lẽ DN có nhu vầu vay thì vẫn được vay chứ đâu có cấm. DN đã nghèo, việc siết vốn mỏng bằng chính sách thu thêm thuế như trên sẽ không giúp cho vốn của DN dày lên!

Không dễ khai khống vốn chủ sở hữu

Liệu DN có thể khai vốn lên cao để phần vay hợp lý được tăng lên hay không? Một cán bộ về đăng ký kinh doanh cho biết vốn chủ sở hữu thể hiện trên báo cáo tài chính, thể hiện bằng tiền, bằng tài sản mà DN có thực tế. Do đó DN khó mà khai khống vốn này lên cao.

Hai năm cơ cấu vốn

Nếu được thông qua như dự thảo thì luật sửa đổi sẽ được áp dụng từ đầu năm 2014, chỉ riêng quy định về vốn mỏng này sẽ áp dụng từ 1-1-2016 để DN có thời gian chủ động trong việc tái cơ cấu và cân đối lại các nguồn vốn hoạt động.

Tỉ lệ toàn bộ vốn vay trên vốn chủ sở hữu ở một số quốc gia

QUỲNH NHƯ


Video đang được xem nhiều