Khổ cực với “thiên đường” du lịch

Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Đăk Lăk có dự án biến hồ Lăk (huyện Lăk) thành “thiên đường” du lịch. “Thiên đường” mãi chưa thấy, chỉ thấy cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khổ cực.

0

Gắng sống vì... “thiên đường

Hơn 20 năm lên Tây Nguyên lập nghiệp, ông Nguyễn Lương Huy (thôn 2, thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk) vẫn chỉ biết làm… thợ đụng (đụng gì làm nấy) để nuôi 3 đứa con. Ông kể, sau khi gom được ít vốn, năm 1992, ông “ôm” hết ra thị trấn mua đất với ý định sẽ mở của hàng kinh doanh. Đang chuẩn bị làm sổ đỏ để vay vốn kinh doanh, bỗng dưng ông nhận thông báo về việc quy hoạch khu du lịch sinh thái (KDLST) hồ Lăk.

Họa vô đơn chí. Căn nhà đã quá chật chội, ông còn buộc phải cắt bớt 1/3 cho việc mở rộng QL 27. “Tôi vừa che thêm một khúc để ở thì lập tức bị phạt 200 nghìn đồng vì tội cơi nới trái phép. Chật quá che thêm để ở chứ gian lận gì đâu. Khốn khổ vô cùng”- ông Huy than thở.


Dù nhà sắp sập nhưng hộ ông Nguyễn Lương Huy cũng không dám sửa lại vì sợ bị phạt.

Cùng cảnh với ông Huy, vì nhà sắp sập ông Đoàn Quang Hiếu mua ít vật liệu về gia cố đã lập tức bị cắt điện, cắt nước, buộc tháo dỡ các bộ phận làm mới. Thê thảm nhất có lẽ là trường hợp ông Lê Văn Minh. Sau khi nhường đất cho QL 27, ngôi nhà của ông chỉ còn khoảng 15m2. Hết chỗ nương thân cả nhà đành phải thuê nhà (cách chỗ nhà cũ chừng 200m) để ở.

Là thị dân hẳn hoi nhưng 13 năm qua, 78 hộ dân ở Liên Sơn nằm trong khu quy hoạch sinh thái hồ Lăk phải sống trong những căn nhà dột nát. Hàng chục hộ phải đi thuê nhà dù có nhà. Mảnh đất duy nhất họ đang ở lại không thể làm sổ đỏ nên không thể thế chấp ngân hàng lấy vốn làm ăn. Tất thảy họ đều phải làm thợ… đụng. Hết việc lại ra hồ Lăk chài lưới.

“Dân kêu, huyện bảo “thông cảm”, “chờ”… Và chúng tôi chờ mòn mỏi! Nhà tôi 5 người chỉ sống trong căn nhà hơn 20m2. Đi kinh tế mới từ khi còn trai tráng đến giờ đã làm làm ông mà vẫn chưa an cư…”- ông Nguyễn Văn Chiến thở dài.

“Thiên đường” còn xa

Năm 1998, UBND tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Lăk với diện tích 10,42ha. Thế nhưng sau 13 năm, chỉ có 10% diện tích dự án được động thổ. Đã không ít nhà đầu tư đến đây nhưng họ chỉ xem quy hoạch rồi… về. Năm 2009, UBND tỉnh Đăk Lăk ra quyết định giao cho huyện làm chủ đầu tư dự án…

Theo đề án này, nơi đây sẽ là khu du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, hội thảo... với diện tích lên đến 168,3ha, bao gồm 4 khu là: Thể thao ngoài trời, nghỉ dưỡng, lễ hội truyền thống và khu nuôi nhốt thú. Với quy hoạch mới này số dân phải di dời chỉ còn khoảng 50 hộ. Nhưng số dân còn lại muốn ở lại thì phải xây… biệt thự cho xứng tầm với “thiên đường”.

Năm 1998, UBND tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt Dự án KDLST hồ Lăk với diện tích 10,42ha. Thế nhưng sau 13 năm, chỉ có 10% diện tích dự án được động thổ.

Chính quyền thừa nhận việc kéo dài dự án đã làm khổ dân song sự quyết tâm biến nơi đây thành “thiên đường” đã khiến họ bất chấp tất cả… Ông Nguyễn Anh Tú- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng- huyện Lăk cho biết: “Hiện nay huyện đã quy hoạch khu tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án. Tuy nhiên mọi việc vẫn còn phải chờ quyết định của tỉnh. Còn việc bao giờ người dân được đền bù tái định cư thì không thể nói được”.

Hồ Lăk có diện tích 5km2 nằm dưới chân đỉnh Cư Yang Sin hùng vĩ. Đây là hồ tự nhiên với phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa và được xem là một trong những thắng cảnh tuyệt vời của cả Đông Nam Á. Vậy nên việc biến nơi đây thành “thiên đường” đáng được ủng hộ. Song do cần một số vốn khổng lồ trong khi chưa có nhà đầu tư, nên đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mà trong đó có tái định cư cho dân.

Để hồ Lăk thành “thiên đường” và người dân nơi đây không phải sống cảnh “địa ngục”, xem ra tỉnh này còn nhiều việc phải làm.

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]