Khó như dạy con tuổi teen

"Càng ngày tôi càng không thể nói chuyện được với thằng con lớp 8. Nó bướng kinh khủng. Tôi nói câu gì nó cũng bảo: Bố biết gì, bây giờ chứ có phải những năm 80 như của bố đâu".

15.5761

Ảnh: MH

Anh Tâm (quận 3, TPHCM) buồn rầu chia sẻ với chuyên gia tâm lý: Thời còn học mầm non hay tiểu học, bé Tiến nhất nhất nghe lời bố mẹ. Thế nhưng từ khi Tiến vào THCS, hai bố con ngày càng khó nói chuyện. Anh nói một câu là con cãi một câu. 

Ngày trước, đi học về có chuyện gì Tiến cũng kể cho bố nghe, thế nhưng bây giờ về đến nhà là cậu chui vào phòng riêng, đóng cửa lại.

Trong khi đó, lúc gặp riêng chuyên gia, Tiến lại phàn nàn bố mẹ chẳng hiểu gì mình, cứ mang chuyện thời bố mẹ bằng tuổi cậu cách đây đã 30 năm ra dạy. “Nhưng ghét nhất là cháu cứ nói câu gì thì ba bảo làm sao mà trứng khôn hơn rận được” - Tiến bức xúc.

Cũng đang có vấn đề với con gái đầu lòng hiện học lớp 9, chị Trang (Gò Vấp, TPHCM) đến gặp các chuyên gia tâm lý xem làm cách nào để mẹ con có thể nói chuyện với nhau. Nhiều lúc chị cảm thấy bất lực với việc dạy con. Nói nhẹ thì con ậm ừ, nói nặng thì con vùng vằng bỏ đi. 

Việc nhà chị đã làm gần hết, con chỉ việc học mà cũng không xong. Ngày nào chị cũng phải nói đến rát họng thì con gái mới chịu ngồi vào bàn học. Trong khi đó, sểnh ra là chị đã thấy con đọc truyện tranh hay vào Facebook.

Chị Trang chia sẻ thêm, hồi 14 tuổi, có lần bị mẹ mắng oan, chị từng có ý định tử tự. "Đôi lúc tôi cũng băn khoăn, liệu có bé nhà mình có lúc nào nghĩ quẩn như thế không? Vì thế tôi rất thận trọng khi quát mắng con".

Theo kết quả khảo sát đời sống học sinh sinh viên do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Văn phòng Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực hiện, mùa tuyển sinh năm nào cũng có những teen buồn bã tự tử với những nguyên nhân như "bố mẹ la mắng”, "thất vọng bản thân", "không còn là đứa con được bố mẹ tự hào". 

Bên cạnh đó là thực tế đáng buồn Việt Nam hiện là một trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đặc biệt tỷ lệ phá thai vị thành niên là 2,3% (năm 2012).

Số trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số mang thai của cả nước cũng tăng qua từng năm, năm 2009 là 2,9%, năm 2012 là 3,2%. Vấn đề mang thai vị thành niên đang trở nên nhức nhối ở Việt Nam những năm gần đây. 

Có những trẻ 12 - 13 tuổi đã mang thai. Đây chính là kết quả của sự thiếu giáo dục trong gia đình, thiếu chia sẻ và thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái.

Chia sẻ trong buổi hội thảo "Nói sao cho con nghe - Nghe sao cho con nói" do Hội quán các bà mẹ tổ chức mới đây tại TPHCM, TS Trần Văn Hùng cho rằng, bố mẹ phải là người thầy của con, nhưng vấn đề là bố mẹ không biết cách nói với con và cũng không biết nghe con nói. 

Giao tiếp giữa bố mẹ và con cái tuổi teen rất khó, bởi ở lứa tuổi teen, trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân rất lớn. Cha mẹ thường băn khoăn tại sao mình chăm sóc chu đáo với con mà con vẫn không ngoan, sao bọn trẻ bây giờ khác thời của mình vậy. Tại sao lúc con còn bé rất dễ thương mà bây giờ tuổi teen không khác gì một “đối thủ”.

Trên thực tế, cha mẹ thường không thích nghe và lại càng không thể chấp nhận những buồn phiền, tức giận, chán chường của con. Cha mẹ cũng thường không kiên nhẫn khi dạy con, không dành thời gian dạy con, nhưng lại đòi hỏi con phải làm được. 

Kết quả giao tiếp giữa bố mẹ con là đánh, mắng, hù dọa. Các biện pháp này con có thể sợ lúc còn nhò nhưng đến lúc lớn con sẽ hết sợ, ngược lại có thể bố mẹ phải sợ con.

Chuyên gia giáo dục cũng nêu lên những vấn đề nan giải trong cảm xúc của trẻ. Đó là trẻ cảm thấy bố mẹ không có thời gian thực sự dành cho mình, bố mẹ hay mang chuyện cũ ra dạy (thời bố mẹ bằng con thì…) từ đó khiến trẻ không muốn nói chuyện cùng. Khi quá kỳ vọng vào trẻ, bố mẹ dễ khiến trẻ cảm thấy mình sai. 

Bố mẹ áp đặt sẽ khiến trẻ cảm thấy cái bố mẹ muốn quan trọng hơn cái con muốn, bố mẹ làm vì bố mẹ chứ không phải vì mình. Bố mẹ hay chê trách có thể khiến trẻ mất tự tin. 

Nhiều trẻ cũng cảm thấy bố mẹ áp đặt cảm xúc của người lớn vào mình là không phù hợp và bố mẹ không hiểu mình nên trẻ cũng không muốn chia sẻ.

Để giải quyết mâu thuẫn trong giao tiếp với con, tiến sĩ Hùng khuyên, cha mẹ nên nói ít nghe nhiều, đồng cảm nhiều với con và cũng nên để cho con được trải nghiệm. 

Để động viên con hợp tác khi làm một việc gì, cha mẹ nên tránh trạng thái tâm lý xấu như tỏ ra thất vọng với con, rầy la, đe dọa, ép buộc, ra lệnh, lên lớp với con, kêu ca mệt mỏi, so sánh con với những đứa trẻ khác, hay dự đoán tiên tri một cách mỉa mai. 

Cha mẹ cũng nên nhớ, đừng đưa ra mệnh lệnh cho trẻ, bởi mệnh lệnh sẽ khiến những trẻ chống đối. Cha mẹ chỉ cần diễn giải vấn đề khuyến khích con tìm ra giải pháp. 

Thay vì giảng đạo dài dòng, cha mẹ hãy nói ngắn gọn bởi trẻ thường cho ra ngoài tai các bài giảng đạo lê thê. Một lời ngắn gọn khiến trẻ để tâm và hợp tác.

Để khuyến khích con hợp tác, cha mẹ chỉ cần miêu tả cái mình nhìn thấy hoặc nêu vấn đề (ví dụ: Khăn ướt đang ở trên giường), chia sẻ thông tin (Khăn ướt sẽ làm ướt ga giường), nói một câu ngắn gọn (Khăn ướt). 

Miêu tả cảm nhận, tâm tư của mình (Mẹ không thích ngủ ở giường bị ướt), chấp nhận cảm xúc của mình và chỉnh đốn cách hành xử không hay của con. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể viết một mẩu tin nhắn (Xin treo tôi lên dây phơi để tôi khô, cám ơn - Khăn ướt) thay vì nói trực tiếp với con. Đảm bảo khi đó, con bạn sẽ biết phải làm gì trong tâm trạng vui vẻ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]