Khó quản những bài thuốc "rong"

Những ngày vừa qua, BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi bị ngộ độc chì, dị ứng thuốc do dùng thuốc hàng rong, ở chợ…

0
>>  

Đây là hồi chuông cảnh báo đối với chính quyền địa phương, quản lý thị trường và cơ quan chức năng làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Thuốc nam không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan (ảnh nhỏ); Cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc nam không nguồn gốc (ảnh lớn)

Một người bạn của chúng tôi ở Nam Định lên Lạng Sơn du lịch, được mấy bà người dân tộc ngồi tại khu vực đền Kỳ Cùng giới thiệu thuốc cổ truyền của người dân tộc có thể chữa nhiều căn bệnh nan y; ghé vào mua mấy gói chữa bệnh tiểu đường nhưng khi về sắc uống thấy đau đầu chóng mặt, sợ quá phải vứt ra vườn…

Không chỉ riêng Lạng Sơn, theo thống kê của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua, trên cả nước rất nhiều địa phương phát hiện những sai phạm về việc kinh doanh, sản xuất thuốc đông dược. Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc, năm 2011, trong 20.000 mẫu thuốc trong nước được kiểm nghiệm, thuốc Đông y giả, kém chất lượng chiếm tỷ lệ 9 - 10%. Cơ quan chức năng cũng từng phát hiện rất nhiều loại thuốc đông dược mang tên “dân tộc cứu nhân vật”, thuốc y học cổ truyền có chứa tân dược nhưng không được nhà sản xuất công bố đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng... Mới đây nhất, tại làng thuốc Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), đầu mối dược liệu lớn nhất nước, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm như: nhiều hộ không đủ điều kiện hành nghề; việc phơi, bảo quản dược liệu cũng không đạt tiêu chuẩn; vỏ bao không ghi tên các dược liệu.                                                           
 Anh Tuấn
Bệnh nào cũng có thuốc?!

Để mục sở thị, chúng tôi ra khu vực cổng đền Kỳ Cùng để tìm hiểu. Biết tôi là người Lạng Sơn, một bà với trang phục người Nùng nhanh nhảu “tiếp thị”: “Cách đây mấy hôm, trên khu vực Công Sơn, mấy cậu thanh niên phát hiện trên cây gạo có tầm gửi, họ chặt xuống, bà phải nhanh tay lắm mới lấy được vài cân. Loại này chữa bệnh ung thư gan tốt lắm?”. Và bà đưa cho tôi vài gói nói giá 50.000 đồng/gói. Khéo tìm cách để thoái thác, chúng tôi sang khu vực chùa Tam Thanh.
 
Cũng là mấy bà trạc ngũ tuần với trang phục dân tộc Tày, Nùng, Dao… giới thiệu với khách đủ loại thuốc nam “đặc biệt” của Lạng Sơn. Khách kể bất cứ bệnh gì các bà cũng có thuốc cho loại bệnh đó. Khách cần cũng có, khách “hỏi chơi” cũng có, cứ xúm đông xúm đỏ; chừng 30 phút, với vài ba đoàn khách, các bà cũng bán được dăm bảy gói hoặc một vài chai “thuốc” đã ngâm rượu sẵn.
 
Theo thống kê của ngành y tế, trên địa bàn TP. Lạng Sơn, nhất là vào các phiên chợ, ngày lễ, chủ nhật, tại các điểm du lịch có khoảng vài chục người chuyên bán thuốc rong như vậy. Nguồn gốc các loại “thuốc” này phần lớn được khai thác từ các làng bản và với bàn tay “chế biến” của các “lang vườn”, mấy bà “cất” theo từng mẻ và mang đi bán rong.
 
Cũng có nhiều loại từ Trung Quốc qua một số cửa khẩu tràn sang. Một số người dân ở khu vực cửa khẩu Chi Ma cho biết, lực lượng cửu vạn khi bốc vác mặt hàng thuốc bắc của Trung Quốc nhặt nhạnh những mẩu, những thanh rơi vãi, gom lại và bán cho người thu mua, gọi là có thêm chút tiền “bãi”. Các loại cây “hổ lốn” này được thái, đóng gói và cung cấp cho các bà bán thuốc rong.
 
Khó xử lý?
 
Theo thanh tra Sở Y tế Lạng Sơn, cùng với việc tăng cường thanh kiểm tra hành nghề y dược tư nhân, Thanh tra y tế đã nhiều lần tiến hành kiểm tra các “nải” thuốc rong này, hầu hết người bán đều không có giấy phép hành nghề; hỏi kỹ, nhiều bà thậm chí cũng không có được những kiến thức tối thiểu về đông nam dược. Tuy nhiên, xử phạt cũng khó, bởi vì các bà đi bán cũng chỉ có một cái nải nhỏ, trong đó có một vài chục gói thuốc, vài chai rượu “thuốc” và thêm… chai mật ong “rừng”. Khó như vậy nên cũng như “đá ném ao bèo”, sau khi được nhắc nhở, các bà tản ra, sau đó đâu lại vào đấy.

Các hành vi bán thuốc rong nói trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Khám bệnh chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011). Các hành vi bị nghiêm cấm được ghi rõ trong Điều 6: “Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sĩ Đông y, y sĩ Đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền”.
 
Luật KBCB cũng giải thích: “Lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm KBCB bằng phương pháp y dược học cổ truyền dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội Đông y TW hoặc Hội Đông y cấp tỉnh”. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền “là người sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời do dòng tộc, gia đình truyền lại, điều trị có hiệu quả đối với 1 hoặc vài bệnh chứng nhất định được Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội Đông y cấp tỉnh”.

Là địa phương có thế mạnh về du lịch dịch vụ, khách thập phương lên Lạng Sơn ngoài thỏa mãn du lịch văn hóa, tâm linh, còn là để mua sắm, nhất là những đặc sản của địa phương. Tuy vậy, những “nải” thuốc rong và người bán thuốc rong không những đã góp thêm sự lộn xộn trên địa bàn các danh thắng, mà còn làm tổn hại đến môi trường du lịch dịch vụ của tỉnh. Thiết nghĩ, ngành y tế và các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách tích cực hơn để mang lại cho du khách những tình cảm đẹp về một vùng đất với thiên nhiên hùng vĩ, con người thật thà đôn hậu. 

Xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm trong kinh doanh thuốc YHCT

Ngày 6/4, BS. Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền – Bộ Y tế cho biết, trước thông tin phản ánh tình trạng trẻ bị nhiễm độc chì phải vào điều trị tại một số bệnh viện, Vụ đã có công văn gửi Sở Y tế các địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề KCB bằng YHCT và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm, đồng thời đình chỉ hành nghề đối với những cơ sở không phép, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm chì; cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội.

Thống kê của Vụ Y dược cổ truyền dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cho thấy, trẻ ngộ độc chì phải nhập viện điều trị đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là “thuốc cam”. Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 5/4, Sở đã đình chỉ hành nghề đối với 3 cơ sở bán “thuốc cam” có chứa hàm lượng chì cao là cơ sở của ông Nguyễn Văn Trân (ở huyện Phúc Thọ), cơ sở của bà Lê Thị Sói (An Khánh, Hoài Đức), cơ sở của bà Đặng Thị Tình (Minh Đức, Phú Xuyên).

         Thái Bình
 

AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]