Khởi nghiệp từ rau sạch

Từ yêu thích nấu ăn đến mong muốn chế biến nhiều món ăn từ rau sạch để cải thiện bữa ăn cho gia đình mình, Nguyễn Thị Hồng Cẩm (cựu sinh viên Học viện Ngân hàng Hà Nội) đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp: sản xuất rau hữu cơ sạch.

15.6014
Ngã rẽ từ rau

Từ khi còn là sinh viên năm 2 Học viện Ngân hàng Hà Nội, Nguyễn Thị Hồng Cẩm tham gia nhiều hoạt động về môi trường. Hồng Cẩm thử nghiệm làm việc toàn thời gian cho một dự án sản xuất Rau Hữu Cơ Thanh Xuân, Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị Hà Nội.

Nguyễn Thị Hồng Cẩm.

Và từ đây, Cẩm đã phát hiện ra niềm say mê sản xuất rau sạch cũng như khám phá được nhiều về lĩnh vực môi trường và nông nghiệp dù là dân kinh tế-tiền tệ. Biết mình đã bén duyên với nghề trồng rau và xét thấy ở TP.HCM chưa có mô hình cung cấp rau hữu cơ sạch nên cô bạn quyết định Nam tiến để lập nghiệp. Nhóm Rau Hữu cơ An Hòa đã chính thức ra đời với vườn rau rộng 7.000m2 tại xã Bình Phục Nhứt, Chợ Gạo, Tiền Giang và cung cấp rau hữu cơ sạch cho các hộ gia đình ở TP.HCM.

Khi tự lập để sản xuất rau hữu cơ, Cẩm đã phải trải qua vô vàn sóng gió để thích nghi làm nông dân. Những ngày đầu triển khai mô mình, vì nước ở miền Tây nhiễm phèn rất nặng nên Cẩm đã phải cùng hộ dân đào giếng sâu hơn 300m để lấy nước sạch tưới rau.

Tìm được nguồn nước thì lại phải đối diện với vấn đề đất nhiễm phèn nên cô bạn phải hì hục cải tạo đất cùng bà con mất hơn bốn tháng trời. “Vùng đất miền Tây đất lành chim đậu vậy mà gây cho mình không ít khó khăn. Nhưng chính sự thân thiện và yêu mến của các hộ gia đình nông dân nơi đây cùng những người bạn chung dự án là nguồn động lực lớn nhất để mình quyết tâm đeo đuổi tới cùng”, Cẩm chia sẻ.

Thay đổi thói quen sản xuất

Khi bắt đầu với nhóm Rau Hữu Cơ An Hòa, Cẩm đảm nhận việc bán hàng là chính, nên việc áp dụng tư duy kinh tế để lên mục tiêu bán hàng là không hề khó đối với cô bạn. Tuy nhiên, chính việc tư duy kiểu này không thích hợp với điều kiện tay nghề của nông dân đã mang lại bài học kinh nghiệm đáng nhớ cho Cẩm.

Từ tập quán chuyên canh một loại rau, Cẩm tư vấn cho bà con chuyển xen canh nhiều loại rau, nhằm mục đích đa dạng sản phẩm. Cẩm đặt mục tiêu bán hàng cao trên cơ sở lý thuyết nhằm cung ứng thêm cho các hộ gia đình nhỏ ở TP.HCM. Vấn đề khó khăn lại nảy sinh, nông dân ở đây thiếu kinh nghiệm khi lần đầu sản xuất xen canh dẫn đến việc rau không lên được và không có sản phẩm để cung ứng ra thị trường. Từ việc “xoắn tay” vào làm để hiểu hết khó khăn của người nông dân, cô bạn đã chủ động lên lại kế hoạch xen canh dần dần từ ba đến bốn loại rau.

Và hiện tại vườn rau của Cẩm đã xen canh được hơn 12 loại rau. Nhóm đã cung cấp được rau cho một số nhà hàng tại Q.1 TP.HCM, đặc biệt là nhà hàng chay (Nhà hàng Hoa Đăng, Huỳnh Khương Ninh, Q.1) và các hộ gia đình nhỏ lẻ có thu nhập cao khoảng hơn 3,5 tạ/tháng.

Làm bạn cùng sâu bọ

Giá của rau hữu cơ sạch cao gấp 3 lần so với giá rau thị trường do một phần chi phí nhân công sản xuất cao. Bên cạnh đó, năng suất thấp không kiểm soát được mỗi mùa do sâu bọ phá hoại cũng là khó khăn lớn làm cho Cẩm phải luôn suy tính vì thực tế giá cao nhưng vẫn không thu được lợi nhuận vì không cung cấp được cho các chợ lớn hay siêu thị.

Cẩm đã phải bỏ nhiều thời gian đến vườn cùng những bạn nông dân của mình để tìm hiểu về các loại sâu nhưng cũng không mấy tiến triển, vì sức càn phá hoại cũng như sinh sôi nảy nở chúng rất bạo. Có những loại rau 30 ngày thu hoạch thì đến ngày thứ 15, chỉ sau một đêm, cả vườn rau xơ xác vì sâu ăn lá phá hoại. Và nhiều lần Cẩm phải “muối mặt” đến xin lỗi nhà hàng vì đã không có rau cung ứng như đã cam kết.

Cuối cùng, cô bạn đã nghĩ ra cách dùng thiên địch để đuổi sâu bọ. Cẩm đã phải nghiên cứu về lưới thức ăn sinh học. Và loại sâu nào Cẩm cũng phải xem mặt cho bằng được để tìm cho đúng loại thiên địch để diệt chúng khỏi vườn rau. Ngoài ra, với kinh nghiệm làm nông dân của mình, Cẩm còn phối hợp dùng các loại hương từ nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, gừng, tiêu để gây mùi hắc, đuổi xa các loại sâu cắn phá.

Nói về cái duyên đi theo ngã rẽ nông dân của mình, cô bạn tâm sự: “Dù không như những bạn bè làm ở các công ty, tập đoàn lớn, nhưng mình cảm thấy hài lòng khi tự mình khám phá được nhiều kiến thức mới mẻ. Mình thấy ý nghĩa hơn khi sản xuất được rau sạch để chăm sóc và làm tăng thêm dinh dưỡng, sức khỏe cho các gia đình cũng như góp phần phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp rau sạch tại miền Nam. Và bản thân mình, thói quen ăn uống và tiêu dùng cũng thay đổi. Mình ăn rau nhiều hơn và ít dùng thịt. Cuộc sống giản dị này làm mình thích thú vô cùng”.

Theo Sinh Viên Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]